Indonesia: Người dân hoài nghi báo cáo chưa có ca nhiễm corona nào ở nước này
Thế giới - Ngày đăng : 18:35, 12/02/2020
Theo SCMP, Indonesia đang có được một sự khác biệt bất ngờ so với nhiều nước láng giềng, khi chính phủ nước này khẳng định chưa có trường hợp nhiễm virus corona chủng mới nào được xác nhận. Trong khi đó, dịch bệnh lại đang lan rộng ở nhiều nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines…
Tuy vậy, số ca nghi vấn tiếp tục tăng mạnh trên khắp Indonesia trong những ngày gần đây, bao gồm 30 công nhân Trung Quốc trở về tỉnh Bắc Sulawesi sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Điều đó dẫn đến những lo ngại về trường hợp nhiễm bệnh, hoặc họ trú ẩn đâu đó mà chưa được báo cáo.
Những nỗi sợ hãi này được thúc đẩy bởi sự yếu kém của hệ thống y tế Indonesia trong việc đối phó với virus cúm gà H5N1 xảy ra hơn một thập kỷ trước. Dịch cúm H5N1 đã giết chết 165 người trong số 197 người nhiễm bệnh ở Indonesia từ năm 2005 - 2014, tỷ lệ tử vong lên đến 84%.
Hôm 10/2, Bộ Y tế Indonesia phải chịu áp lực trước các câu hỏi về các trường hợp nghi nhiễm virus corona không được phát hiện hoặc báo cáo, cùng một số thông tin trên mạng nói rằng đã có người chết vì virus corona ở nước này.
Bộ Y tế Indonesia cũng bác bỏ một nghiên cứu của Đại học Harvard rằng Indonesia đáng ra phải có ca nhiễm corona rồi.
Theo đó, 5 nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Cộng đồng Chan thuộc Đại học Harvard, Mỹ trong nghiên cứu công bố tuần trước khuyến nghị rằng Indonesia và Campuchia, quốc gia có một ca nhiễm bệnh, nên nhanh chóng tăng cường giám sát các ca có nguy cơ nhiễm. Dựa trên phân tích thống kê, họ cho rằng Covid-19 có thể đã tới Indonesia.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều trường hợp nhiễm virus do từng đến Vũ Hán gần đây, cho thấy lượng khách du lịch bằng đường hàng không có thể góp phần lớn làm tăng nguy cơ virus lây lan ra ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, Mitch Siswanto, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của Bộ Y tế Indonesia cho biết, về cơ bản, nghiên cứu này chỉ là một mô hình toán học để dự đoán sự lây lan của virus dựa trên khối lượng khách du lịch quốc tế.
Ông Siswanto cho biết, Bộ Y tế nước này đã lấy mẫu kiểm tra 62 trong số 64 người nghi nhiễm virus corona và tất cả xét nghiệm đều âm tính. Đồng thời khẳng định, Indonesia đã kiểm tra đúng cách, nghiên cứu của Harvard chỉ là một dự đoán đơn thuần.
Indonesia phun thuốc khử trùng người dân từ Vũ Hán về nước
Hiện, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã thiết lập đường dây nóng để công chúng báo cáo các trường hợp nghi nhiễm corona, đồng thời khuyến cáo công dân không đi du lịch tới Singapore, sau khi số ca nhiễm ở đảo quốc sư tử đã vượt quá 40 người, gồm 1 người nhập cư gốc Indonesia.
Indonesia có 3 phòng thí nghiệm có khả năng xét nghiệm virus corona, 2 ở thủ đô Jakarta và một ở Surabaya, thành phố lớn thứ hai ở Đông Java. Những phòng thí nghiệm này có thể xử lý 1.200 ca xét nghiệm mỗi ngày. Indonesia cũng đã chuẩn bị 100 bệnh viện trên toàn quốc, trong đó có 3 bệnh viện ở Jakarta. Chính phủ cũng đã thuê máy bay để sơ tán 240 công dân sống ở Vũ Hán, tâm dịch bệnh và cách ly họ trên đảo Natuna xa xôi trong 2 tuần.
Dù hệ thống y tế Indonesia chưa đạt mức tiêu chuẩn quốc tế do thiếu trang thiết bị và bác sĩ, y tá hay hộ sinh, theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhưng tiến sĩ Navaratnasamy Paranietharan, đại diện của Indonesia tại WHO cho biết, quốc gia này đã làm tốt trong việc đối phó với Covid-19, như kiểm tra y tế hành khách tại các điểm nhập cảnh và chuẩn bị đầy đủ cho các bệnh viện để có thể tiếp nhận các ca nghi nhiễm hoặc dương tính với virus.
Giới chức y tế Indonesia thông báo, 30 công nhân Trung Quốc của một nhà máy xi măng ở Bắc Sulawesi tuần trước bắt đầu bị cách ly 14 ngày sau khi quay lại từ Trung Quốc, nhưng không ai trong số họ có triệu chứng nhiễm virus.
Achmad Yurianto, người đứng đầu cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch thuộc Bộ Y tế Indonesia nhấn mạnh, Indonesia chưa chuẩn bị để đương đầu với đợt bùng phát lớn, nhưng đã sẵn sàng để ngăn chặn dịch bùng phát, sẽ kịp thời phát hiện nếu có bệnh nhân xuất hiện triệu chứng bệnh.
Indonesia có kinh nghiệm kiểm dịch với khách du lịch, bởi quốc gia này luôn phải cảnh giác với mối đe dọa từ Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS) cũng do một chủng virus corona gây ra. Hàng năm, khoảng 1,4 triệu người Indonesia hành hương tới Arab Saudi, nơi họ có thể nhiễm MERS, nên luôn được kiểm tra y tế khi trở về.
Indonesia cũng đã đình chỉ tất cả chuyến bay từ Trung Quốc và lắp thiết bị theo dõi thân nhiệt tại các sân bay. Lệnh cấm này khiến 5.000 du khách Trung Quốc mắc kẹt trên đảo Bali, trong đó có 200 người đến từ Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, nơi bùng phát Covid-19.
Giống Indonesia, các quốc gia châu Phi chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào cho tới hôm qua, dù có nhiều ca nghi nhiễm. Châu Phi cũng là điểm đến thường xuyên của người Trung Quốc, nhưng không phải vì mục đích du lịch mà là làm việc.