Tin vắn ngày 31/1: Chính thức ký thỏa thuận Anh rời liên minh
Thế giới - Ngày đăng : 07:35, 31/01/2020
27 thành viên EU chính thức ký thỏa thuận Anh rời liên minh
Nghị viện châu Âu hôm qua (29/1) đã bỏ phiếu, chính thức thông qua thỏa thuận Brexit cho phép Anh rút khỏi khối. Ngay sau khi Anh chính thức không còn là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vào 23h ngày mai, cơ chế chuyển giao sẽ được kích hoạt và dự kiến kéo dài đến cuối năm nay. Trong quá trình này, Anh vẫn phải tuân thủ các quy định của EU nhưng vẫn có thể ký thỏa thuận thương mại với bất cứ đối tác nào trên thế giới.
Anh đã là thành viên của EU trong gần 50 năm qua và cũng là nước đầu tiên rời khối. Như vậy, kể từ ngày mai, EU sẽ chỉ còn 27 quốc gia thành viên. Phiên bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu hôm qua khá xúc động khi không ít nghị sĩ bày tỏ sự nuối tiếc, một số nghị sĩ thậm chí đã bật khóc. “Chúng tôi sẽ luôn yêu mến các bạn và chúng ta sẽ không bao giờ xa cách”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.
Mỹ áp đặt trừng phạt mới với Iran
Ngày 30/1, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt mới với Iran, dù cho phép một số hoạt động phi hạt nhân hóa được tiếp tục diễn ra tại nước Cộng hòa Hồi giáo.
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo lệnh trừng phạt mới với Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran cũng như người đứng đầu cơ quan này. Đây được xem là động thái có thể tác động tới chương trình phát triển năng lượng hạt nhân dân sự của Iran.
Tuy nhiên, Mỹ cũng gia hạn 60 ngày đối với việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhằm thúc đẩy tiến trình giám sát hoạt động phi hạt nhân hóa tại Iran.
Quyết định này sẽ cho phép các công ty châu Âu, Nga và Trung Quốc tiếp tục các dự án tại một số cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran. Một số nguồn tin ngoại giao cho biết Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ đã bất đồng về quyết định gia hạn này.
Hạ viện Mỹ thông qua hai dự luật ngăn chặn hành động quân sự chống Iran
Ngày 30/1, Hạ viện Mỹ đã thông qua hai dự luật nhằm chặn hành động quân sự của Tổng thống Donald Trump nhằm vào Iran. Đây là nỗ lực mới nhất của các nghị sĩ đảng Dân chủ nhằm tái khẳng định thẩm quyền của Quốc hội trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran sau cuộc không kích của Mỹ vào sân bay quốc tế tại Iraq khiến 1 tướng cấp cao Iran thiệt mạng.
Dự luật đầu tiên của Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Ro Khanna, bang California được thông qua với tỉ lệ 228 phiếu thuận và 175 phiếu chống, sẽ ngăn chặn việc sử dụng các quỹ cho các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran hoặc ở Iran mà không được phép của Quốc hội.
Trong khi đó, dự luật thứ 2 do Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Barbara Lee, bang California, đề cử đã được thông qua với 236 phiếu thuận và 166 phiếu, chống bãi bỏ quyết định ủy quyền năm 2002 về việc sử dụng lực lượng quân sự ở Iraq.
Jack Ma chi 14 triệu USD chống virus corona
Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma thông báo chi 100 triệu NTD (14,4 triệu USD) qua quỹ từ thiện của mình để phát triển vaccine ngừa virus corona. 40 triệu NDT (5,8 triệu USD) trong khoản này sẽ được phân bổ cho hai tổ chức nghiên cứu của chính quyền Trung Quốc. Số tiền còn lại sẽ được dùng để hỗ trợ các biện pháp "phòng ngừa và điều trị", Quỹ Jack Ma cho biết trên mạng xã hội hôm 29/1.
Tập đoàn Alibaba hôm 25/1 tuyên bố đóng góp 1 tỷ NTD (144 triệu USD) để mua vật tư y tế cho Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch viêm phổi. Nhiều công ty hàng đầu Trung Quốc như hãng viễn thông Huawei, gã khổng lồ công nghệ Tencent, công cụ tìm kiếm Baidu, hay ByteDance, công ty mẹ của TikTok, cũng tham gia đóng góp tài chính nhằm ứng phó với dịch viêm phổi do virus corona gây ra.
Các nước thành viên HĐBA bày tỏ quan ngại trước tình hình nhân đạo tại Syria
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 29/1 dưới sự chủ trì của Việt Nam, đã họp nghe báo cáo về tình hình nhân đạo tại Syria. Cụ thể, từ đầu tháng 12/2019 đến nay, tình hình nhân đạo tại vùng Tây Bắc Syria trở nên nghiêm trọng hơn do bạo lực gia tăng. Khoảng 80 thường dân thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, hơn 350 nghìn người phải rời khỏi nơi cư trú…
Đa số các nước thành viên HĐBA đã bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo tại Tây Bắc Syria; kêu gọi các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ thường dân và cơ sở dân sự theo luật pháp quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của LHQ...
Thỏa thuận thương mại USMCA chính thức được ký
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật thỏa thuận thương mại USMCA với Mexico và Canada, sau một hành trình dài giữa 3 nước nhằm đạt được điều này.
Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua thỏa thuận này với đa số áp đảo hồi đầu tháng 1, trong khi Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng 12/2019.
Được biết, thỏa thuận USMCA áp đặt các quy tắc chặt chẽ hơn về xuất xứ lên ngành công nghiệp ô tô, đòi hỏi các hãng sản xuất phải chế tạo các linh kiện ở một trong ba nước nói trên thì mới được hưởng thuế suất 0%, và một tỷ lệ đáng kể các linh kiện đó phải được sản xuất bởi các công nhân có mức lương ít nhất là 16 USD một tiếng đồng hồ vào năm 2023.
Cụ thể, USMCA quy định tăng tỷ lệ nội địa ngành công nghiệp ô tô sản xuất ở khu vực Bắc Mỹ từ 62,5% trước đây lên 75%, đồng nghĩa với việc giúp lao động Mỹ cạnh tranh hơn trước trong lĩnh vực sản xuất ô tô. USMCA cũng buộc Canada và Mexico mở cửa nhiều hơn cho hàng nông sản Mỹ.
USMCA xuất hiện chưa đầy một tháng sau khi Tổng thống Trump đạt được giai đoạn thứ nhất của thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Thỏa thuận thương mại USMCA là thỏa thuận thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vốn có hiệu lực từ năm 1994.
Biểu tình phản đối cải cách lương hưu tiếp diễn tại Pháp
Hàng nghìn người lại đổ ra đường ở thủ đô Paris, Pháp để phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của chính phủ. Người biểu tình chỉ trích chính quyền của Tổng thống E.Marcon thờ ơ trước làn sóng biểu tình. Cuộc tuần hành diễn ra chỉ một ngày sau khi Quốc hội Pháp bắt đầu xem xét dự luật cải cách lương hưu.
Trước đó, xung đột đã nổ ra giữa nhóm lính cứu hỏa tham gia biểu tình với cảnh sát chống bạo động của Pháp tại thủ đô Paris. Hàng nghìn lính cứu hỏa tuần hành phản đối điều kiện làm việc của họ và yêu cầu tăng tiền thưởng vốn không thay đổi kể từ năm 1990. Cảnh sát đã bắn hơi cay vào người biểu tình.