Tin vắn thế giới ngày 30/1: Tổng thống Mỹ công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông
Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 30/01/2020
Tổng thống Mỹ công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” hay còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”, sau nhiều lần trì hoãn.
Tổng thống Donald Trump đã tiết lộ những điểm chính của kế hoạch hòa bình với sự có mặt của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Ông Donald Trump cho biết, ông đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Israel và khẳng định tầm nhìn của ông mang đến cơ hội một giải pháp hai nhà nước thực tế nhằm “giải quyết nguy cơ quốc gia Palestine đối với an ninh của Israel”. Theo kế hoạch của Tổng thống Trump, Jerusalem sẽ tiếp tục là thủ đô của Israel. Trong khi đó, các vùng đất của nhà nước Palestine nằm lọt giữa lãnh thổ của Israel.
Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật về Tây Tạng
Dự luật Chính sách và Hỗ trợ cho Tây Tạng đã giành được sự tán đồng mạnh mẽ vào thứ ba với 392 phiếu thuận và chỉ 22 phiếu chống. Trong đó, quan điểm của Mỹ được thể hiện rõ trong việc lãnh tụ tôn giáo tại Tây Tạng phải được chính người dân Tây Tạng lựa chọn mà không có sự can thiệp từ Bắc Kinh. Dự luật cũng đặt ra các lệnh trừng phạt nếu Bắc Kinh can thiệp vào quá trình công nhận người kế vị Dalai Lama.
Trước cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nhấn mạnh tầm quan trọng của dự luật, nói rằng đó là "một tín hiệu rõ ràng" đối với Bắc Kinh. Dự luật lần này nối theo sau các nghị quyết của Hạ việc Mỹ trong việc ủng hộ phong trào dân chủ của Hồng Kông và Tân Cương.
Tuy nhiên, để Dự luật mới trở thành đạo luật thì vẫn cần sự thông qua của Thượng viện và được Nhà trắng phê chuẩn.
Trung Quốc bàn giao bộ gene virus corona cho Nga
"Phía Trung Quốc đã bàn giao bộ gene virus cho Nga, điều này cho phép các nhà khoa học của chúng tôi nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm nhanh để có thể xác định virus này trên người trong 2 giờ", thông báo từ Lãnh sự quán Nga tại Quảng Châu hôm 29/1 nêu rõ.
Cơ quan ngoại giao này nói thêm rằng Nga và Trung Quốc đang làm việc để phát triển loại vaccine phòng ngừa dịch viêm phổi cấp đang diễn biến ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, không rõ các nhà khoa học Nga và Trung Quốc đang làm việc cùng nhau hay riêng biệt.
Hongkong phát triển vaccine ngừa viêm phổi Vũ Hán
Ngày 28/1, giáo sư Yuen Kwok-yung thuộc trường Đại học Hongkong cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã "tách" vaccine từ virus trong ca nhiễm đầu tiên tại Hongkong.
Các nhà nghiên cứu dựa trên vắcxin cúm dạng xịt mũi do nhóm từng phát minh trước đây. Nhóm sửa vaccine cúm bằng một phần kháng nguyên bề mặt của virus nCoV để có thể chống lại loại virus gây viêm phổi này.
"Chúng tôi đã sản xuất vaccine, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để thử nghiệm trên động vật", ông Yu Yuen nói. Ông cho biết sẽ mất vài tháng để thử nghiệm vaccine trên động vật và ít nhất một năm nữa để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người.
Các nhà khoa học ở Trung Quốc và Mỹ cũng đang chạy đua với thời gian để sản xuất vaccine.
Australia tái tạo thành công virus corona trong "cuộc đua" phát triển vaccine
Các nhà khoa học ở viện truyền nhiễm và miễn dịch Peter Doherty, Melbourne, Australia ngày 28/1 đã trở thành những người đầu tiên ở bên ngoài Trung Quốc sao chép thành công virus corona chủng mới. Đây được xem động thái đột phá khi giúp các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu tạo ra vaccine thích hợp cho bệnh dịch.
Các nhà khoa học này sẽ chia sẻ nghiên cứu của họ với tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu để có thể mang thành quả này tới các phòng thí nghiệm toàn cầu, bao gồm cơ sở ở bang Queensland, nơi đang "chạy đua" chế tạo vaccine cho bệnh dịch. Phát kiến này có thể giúp các nhà khoa học phát triển một công cụ thử nghiệm để xác định người nhiễm bệnh trước khi có có triệu chứng.
Nhiều làng Trung Quốc tự phong tỏa giữa đại dịch viêm phổi Vũ Hán
Làng Tianjiaying ở ngoại ô Bắc Kinh đặt ra một quy tắc bất thành văn: “Nếu đã ở đây, đừng rời đi. Nếu đã rời đi, đừng quay lại” từ khi dịch viêm phổi lan rộng. Giới chức sắc trong làng đeo khẩu trang, áo phản quang kiểm soát "lệnh phong tỏa" này. Trước đó, hệ thống thông báo công cộng của làng đã phát cảnh báo, nhắc mọi người không mời khách tới thăm và kêu gọi bất cứ ai gần đây đến Vũ Hán ra báo cáo với chính quyền.
Mạng xã hội Trung Quốc cũng đăng nhiều hình ảnh và video về những cảnh giác tương tự trên khắp Trung Quốc. Một số làng dùng xe cộ để chặn lối vào làng, một số khác thậm chí dựng hàng rào bằng bê tông. Nhiều nơi cử người đi rà soát và yêu cầu cách ly người đến từ Vũ Hán. Thậm chí thị trấn Chính Định, tỉnh Hà Bắc hôm 27/1 phát 1.000 tệ (145 USD) cho người cung cấp thông tin đáng tin cậy về những ai từng đến Vũ Hán nhưng chưa ra báo cáo chính quyền.
Chính phủ Bulgaria vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Ngày 29/1, Chính phủ liên minh giữa đảng GERB và đảng Những người yêu nước thống nhất (UP) của Bulgaria đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần thứ 4 lại quốc hội.
Trong cuộc bỏ phiếu về kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ, 102 nghị sỹ của đảng Xã hội chủ nghĩa Bulgaria (BSP) và Phong trào vì Quyền và Tự do (MRF) của Bulgaria bỏ phiếu thuận.
Trong khi đó, 124 nghị sỹ bỏ phiếu chống và 9 nghị sỹ bỏ phiếu trắng.
BSP đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ ngày 20/1 vừa qua, với cáo buộc chính phủ do Chủ tịch đảng GERB - Thủ tướng Boyko Borissov - đứng đầu đã thất bại trong chính sách bảo vệ môi trường và nguồn nước.
50 binh sỹ Mỹ bị tổn thương não trong vụ tấn công của Iran
Trong thông cáo về thương vong của vụ tấn công vào căn cứ không quân Ain al-Asad ở phía Tây Iraq đưa ra ngày 28/1, Trung tá Thomas Campbell, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ: "Đến nay, 50 binh sỹ đã được chẩn đoán là bị tổn thương não… 31 trong số 50 binh sỹ đã được điều trị tại Iraq và quay trở lại nhận nhiệm vụ, bao gồm cả 15 người vừa mới được chẩn đoán".
Số người còn lại gồm 18 người đã được chuyển tới Đức để đánh giá thêm và điều trị, một người đã được chuyển tới Kuwait và đã quay trở lại nhận nhiệm vụ. Trong khoảng thời gian ngắn này, con số có thể sẽ thay đổi.
Ấn Độ sắp dùng công nghệ nhận diện ở ga tàu
Hầu hết các ga đường sắt lớn tại Ấn Độ sẽ được áp dụng công nghệ nhận diện sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào cuối năm nay, một quan chức cấp cao Ấn Độ cho biết. Kế hoạch dùng công nghệ nhận diện cũng sẽ được áp dụng trên tàu, với các camera giám sát được lắp đặt ở 1.200 trong số 58.000 toa. Khoảng 500.000 gương mặt được quét mỗi ngày và khớp với các gương mặt được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát về các tội phạm.
Đường sắt của Ấn Độ là một trong những mạng lưới lớn nhất thế giới, chuyên chở khoảng 23 triệu người mỗi ngày, tương đương với dân số của Đài Loan. Tuy nhiên đường sắt của Ấn Độ cũng bị những kẻ buôn người lợi dụng, đưa hàng triệu phụ nữ và trẻ em đến các thành phố.
GS Harvard bị truy tố vì nhận tiền từ Trung Quốc
Chính quyền liên bang ngày 28/1 cho biết, vụ việc của GS. Charles Lieber tại Đại học Harvard đã cho thấy “mối đe dọa đang diễn ra” bằng cách sử dụng các chương trình “câu kéo” học giả và nhà nghiên cứu của Trung Quốc nhằm đánh cắp công nghệ và công trình nghiên cứu của Mỹ.
Luật sư Andrew Lelling cho biết, GS. Charles Lieber, 60 tuổi, chủ nhiệm khoa Hóa học và Hóa sinh học của Đại học Harvard, bị cáo buộc về tội nói dối mối quan hệ hợp tác với một số tổ chức Trung Quốc, nơi ông đã nhận được hàng trăm nghìn USD tiền tài trợ.
Đại học Harvard cho biết, các cáo buộc là "vô cùng nghiêm trọng".