Cơn ác mộng bắt đầu khi dịch virus corona vượt xa SARS
Thế giới - Ngày đăng : 18:46, 29/01/2020
Hàng không quốc tế dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc
Hôm nay (29/1), các hãng hàng không quốc tế bắt đầu đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc vào khi những lo ngại toàn cầu liên quan đến dịch coronavirus đã làm 132 người tử vong và lây nhiễm cho gần 6.000 người.
Thông báo được đưa ra vài giờ sau khi các quốc gia bắt đầu các chuyến bay để sơ tán người nước ngoài bị mắc kẹt ở Vũ Hán, thành phố trung tâm 11 triệu dân đã bị phong tỏa.
Nỗi sợ hãi toàn cầu đang gia tăng về loại virus đã giết chết ít nhất 132 người ở Trung Quốc
Với ít nhất 15 quốc gia đã xác nhận các trường hợp mắc bệnh, ngày càng nhiều nước, bao gồm cả Hoa Kỳ, Anh và Đức, trong những ngày gần đây khuyên công dân của họ tránh việc đến Trung Quốc nếu không cần thiết vì lo ngại về sự bùng phát dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
Trung Quốc đã kêu gọi công dân của mình trì hoãn các chuyến đi ra nước ngoài.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã báo cáo trường hợp đầu tiên được biết đến ở Trung Đông vào hôm nay (29/1).
British Airways là hãng hàng không lớn đầu tiên tuyên bố tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. "Chúng tôi xin lỗi khách hàng vì sự bất tiện này, nhưng sự an toàn của khách hàng và phi hành đoàn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", British Airways nói trong một tuyên bố vào hôm nay.
Tập đoàn Lion Air của Indonesia, hãng hàng không lớn nhất Đông Nam Á theo quy mô số lượng máy bay, cũng cho biết họ sẽ tạm dừng các dịch vụ đến và đi từ Trung Quốc từ 1/2 "cho đến khi có thông báo mới".
Tại Myanmar, ba hãng hàng không có đường bay đến nước láng giềng Trung Quốc cũng cho biết những chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc cũng sẽ bị đình chỉ từ 1/2.
Cathay Pacific cũng cắt giảm các chuyến bay, với lý do nhu cầu thấp và kế hoạch phản ứng của chính phủ Hongkong chống lại virus corona.
Một trong những biện pháp chặt chẽ nhất thuộc về quốc gia Papua New Guinea nhỏ bé ở Thái Bình Dương, nơi đã tuyên bố rằng du khách từ châu Á sẽ không được phép vào nước này từ hôm nay (29/1).
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hãng hàng không khác cho biết họ vẫn đang tiếp tục các dịch vụ tại Trung Quốc.
Sơ tán người nước ngoài
Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp tăng cường khác để cố gắng ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bao gồm cấm các nhóm du lịch đi du lịch nước ngoài, tạm đóng cửa các trường học và kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Chính quyền tuần trước cũng áp đặt lệnh cấm vận chuyển trong và xung quanh Vũ Hán trong nỗ lực kiểm dịch chưa từng có, khiến hơn 50 triệu người phải đóng cửa ở trong nhà của họ.
Hàng ngàn người nước ngoài đã nằm trong số những người bị mắc kẹt ở Vũ Hán, nơi đã trở thành một thị trấn ma khi hầu hết người dân ở trong nhà.
Các quốc gia đã có những nỗ lực trong nhiều ngày để cố gắng đưa công dân của họ ra khỏi Vũ Hán một cách an toàn, nhưng đã phải đối mặt với những rào cản lớn về hậu cần, y tế và chính sách.
Một chuyến bay của Hoa Kỳ đã rời Vũ Hán vào thứ Tư với khoảng 200 người Mỹ trên máy bay, bao gồm cả nhân viên lãnh sự quán. 200 người khác đã lên chuyến bay của Nhật Bản hạ cánh tại Tokyo vào sáng thứ Tư.
Các chuyên gia y tế đã có mặt trên các chuyến bay để tiến hành kiểm tra nhưng các quan chức cho biết họ không có cơ sở pháp lý để buộc phải cách ly những người không được xét nghiệm dương tính với virus này. Thay vào đó, họ sẽ được yêu cầu ở nhà và tránh đám đông cho đến khi biết kết quả kiểm tra.
Các quốc gia khác đang lên kế hoạch cho các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt hơn. Úc đã sơ tán công dân khỏi Vũ Hán và cho họ tạm trú trên một hòn đảo thường được sử dụng để giam giữ những người xin tị nạn. Pháp cũng cho biết họ sẽ giữ những người trở về của mình trong một cơ sở cách ly ở Paris trong 14 ngày - thời gian ủ bệnh ước tính cho virus này.
Mức độ cảnh báo cao nhất
Trong khi đó, virus tiếp tục lây lan và gây chết người ở Trung Quốc. Số trường hợp được xác nhận trên cả nước đã tăng lên 5.974, trong khi số trường hợp tử vong trên toàn quốc đã tăng từ 26 người lên 132 người.
Quy mô của cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc được nhấn mạnh với tổng số ca nhiễm virus trên lục địa Trung Quốc vượt quá mức bùng phát Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) trong năm 2002-2003.
SARS, một loại virus corona đường hô hấp khác, đã từng cướp đi gần 800 mạng sống trên khắp thế giới, với hầu hết các trường hợp tử vong ở Trung Quốc đại lục và Hongkong.
Virus được cho là có nguồn gốc từ một khu chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán, nơi nó đã lây sang người trước khi lây lan khắp Trung Quốc
Virus này được cho là có nguồn gốc từ một khu chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán, nơi nó đã lây sang người trước khi lan rộng khắp đất nước đúng dịp Tết Nguyên đán đang diễn ra – thời gian nhu cầu đi lại tăng cao.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hôm qua thông báo rằng họ sẽ gửi khẩn cấp các chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc "để hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh toàn cầu".
Nhật Bản và Đức đã báo cáo về sự lây truyền bệnh từ người sang người đầu tiên được xác nhận bên ngoài Trung Quốc. Việt Nam đang điều tra một trường hợp khác.
Đức hiện có 4 trường hợp được xác nhận, tất cả đều là nhân viên tại một công ty ở Bavaria gần đây được một đồng nghiệp Trung Quốc đến thăm, các quan chức y tế cho biết.
Ngày 28/1, Hoa Kỳ đã yêu cầu Trung Quốc tăng cường hợp tác với các cơ quan y tế quốc tế về dịch bệnh. Washington đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ ba lần cho đến nay mà không thành công, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar nói với các phóng viên.
Ảnh hưởng kinh tế
Virus đã làm náo loạn thị trường toàn cầu và bắt đầu làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc vốn đang chậm lại.
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota hôm nay cho biết, họ sẽ đóng cửa các nhà máy của mình ở Trung Quốc cho đến ít nhất là ngày 9/2.
Apple đã theo dõi sát sao sự bùng phát ở Trung Quốc - thị trường tiêu dùng lớn thứ ba của công ty và phần lớn chuỗi cung ứng của nó, Giám đốc điều hành Tim Cook cho biết.
Chuỗi cà phê toàn cầu Starbucks cho biết, thu nhập bị giảm đáng kể sau khi đóng cửa hơn một nửa số cửa hàng trên khắp Trung Quốc.