Tin vắn thế giới ngày 7/1: Australia lập quỹ 2 tỷ AUD khắc phục hậu quả cháy rừng
Thế giới - Ngày đăng : 07:35, 07/01/2020
Australia lập quỹ 2 tỷ AUD khắc phục hậu quả cháy rừng
Ngày 6/1, Chính phủ liên bang Australia thông báo dành ít nhất 2 tỷ AUD (1,36 tỷ USD) cho các hoạt động khắc phục hậu quả cháy rừng trên cả nước. Thủ tướng Scott Morrison cho biết khoản tiền trên sẽ được cấp cho Cơ quan khắc phục hậu quả cháy rừng quốc gia mới được thành lập để sử dụng trong 2 năm tới cho việc tái thiết các khu vực bị cháy rừng tàn phá.
Cảnh sát Úc nỗ lực trong đám cháy rừng
Cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các bang và địa phương trong việc dựng lại cầu, đường và cơ sở hạ tầng quan trọng, cũng như thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác, bao gồm cả hỗ trợ sức khỏe cho người dân bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.
Cùng ngày, các nước láng giềng của Australia là New Zealand, Vanuatu và Papua New Guinea đã đề xuất sẵn sàng hỗ trợ nước này dập tắt các đám cháy rừng lớn ở các bang New South Wales và Victoria. Trước đó, New Zealand đã cử máy bay trực thăng của Không quân Hoàng gia New Zealand và các nhóm binh lính, lính cứu hỏa tham gia chữa cháy tại Australia kể từ tháng 10.
Đánh bom trên cầu làm ít nhất 30 người thiệt mạng
Vụ tấn công xảy ra lúc 17h ngày 06/01 (giờ địa phương) trên một cây cầu đông đúc ở thị trấn Gamboru nối với nước láng giềng Cameroon. Các nguồn tin cũng cho biết, 35 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện sau vụ tấn công.
Hiện chưa có nhóm nào thừa nhận trách nhiệm vụ tấn công. Tuy nhiên thời gian qua nhóm phiến quân Boko Haram đã tiến hành nhiều vụ tấn công tại khu vực này. Boko Haram đã tiến hành các hoạt động vũ trang cách đây 8 năm nhằm thành lập một nhà nước Hồi giáo trong khu vực.
Iran nêu rõ các mục tiêu Mỹ sẽ nhận đòn giáng trả
Thiếu tướng Hossein Dehghan, Cố vấn quân sự của Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei ngày 5/1 cho hay, nước này sẽ có “phản ứng quân sự” đối với vụ không kích của Mỹ hôm 3/1 ở Iraq khiến Thiếu tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng.
"Phản ứng chắc chắn sẽ bằng biện pháp quân sự và nhằm vào các vị trí quân sự", Tướng Dehghan nhấn mạnh. Cùng ngày, cựu chỉ huy thuộc IRGC, ông Mohsen Rezaei nêu rõ: "Đòn trả thù của Iran nhằm vào Mỹ vì vụ ám sát Soleimani sẽ tàn khốc... Haifa và các trung tâm quân sự Israel sẽ nằm trong (phạm vi) trả thù".
Tấn công 52 mục tiêu, ông Trump có thể phạm “tội ác chiến tranh”
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 4/1 nói rằng nếu Iran không kích bất kỳ người Mỹ hoặc tài sản nào của Mỹ, Mỹ sẽ nhắm mục tiêu 52 vị trí ở Iran, bao gồm các mục tiêu rất quan trọng đối với Iran và văn hóa Iran. Các chuyên gia cảnh báo Tổng thống Trump có thể phạm tội ác chiến tranh nếu thực hiện cảnh báo này.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2017 đã thông qua nghị quyết "lên án việc phá hủy di sản văn hóa bất hợp pháp, bao gồm việc phá hủy các địa điểm tôn giáo và cổ vật", theo đó hành động phá hủy các địa điểm văn hóa là “tội ác chiến tranh". Tuy nhiên, một số nguồn tin nói với CNN rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ thực sự tấn công các địa điểm này.
Phiến quân tấn công căn cứ Mỹ, 3 người chết
Phiến quân al-Shabaab rạng sáng 5/1 sử dụng xe bom tự sát để chọc thủng vành đai phòng thủ căn cứ Simba nằm cách biên giới Kenya - Somalia khoảng 100 km, sau đó các tay súng tràn vào sân bay. Vụ tấn công khiến 1 lính Mỹ và 2 nhà thầu dân sự thiệt mạng, 2 lĩnh Mỹ bị thương, 6 máy bay bị phá hủy.
Nhà chức trách địa phương không cho biết thương vong của lực lượng quân đội Kenya, nhưng khẳng định binh sĩ hai nước đã phối hợp đẩy lùi đợt tập kích và tiêu diệt ít nhất 8 tay súng. Kenya là thành viên quan trọng trong liên minh do Mỹ dẫn đầu chống phiến quân al-Shabaab, nhóm khủng bố hoạt động chủ yếu trên lãnh thổ Somalia.
Philippines chuẩn bị sơ tán người dân khỏi “chảo lửa” Trung Đông
Tổng thống Duterte đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các quan chức quốc phòng vào ngày 5/1 để thảo luận về tác động của tình hình căng thẳng Mỹ - Iran tới sự an toàn của người dân Philippines Trung Đông. Ông Duterte đã chỉ đạo quân đội chuẩn bị các trang thiết bị để hỗ trợ sơ tán người Philippines trong trường hợp căng thẳng bùng phát.
Theo số liệu thống kê mới nhất của chính phủ Philippines, Trung Đông là khu vực có đông lao động Philippines nhất với hơn 1 triệu người tới đây hàng năm. Đây cũng là khu vực mang lại nguồn kiều hối lớn thứ hai cho Philippines. Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, hiện có khoảng 6.000 công dân Philippines tại Iraq và 1.600 người tại Iran.
Australia nỗ lực sơ tán hàng nghìn người bị mắc kẹt do cháy rừng
Ngày 6/1, giới chức Australia phải tận dụng những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi để khai thông những tuyến đường bị phong tỏa và đưa hàng nghìn người bị mắc kẹt ở các thị trấn ven biển ở nước này trở về nhà. Hiện nước này đang phải nỗ lực chạy đua với thời gian để đối phó với thảm họa cháy rừng khiến hàng chục người thiệt mạng, hơn 5 triệu ha đất và hơn 400 triệu động vật bị thiêu rụi trong nhiều tháng qua.
Những cơn mưa ở Australia trong 2 ngày qua đã phần nào làm dịu những đám cháy rừng dữ dội vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, giới chức Australia cảnh báo thời tiết khô nóng nguy hiểm sẽ quay trở lại vào cuối tuần này, đe dọa làm cho tình hình cháy rừng trở nên nghiêm trọng hơn.
Dư luận Ấn Độ phẫn nộ vì quá nhiều trẻ em tử vong tại một bệnh viện công
Ngày 5/1, người giám sát tại bệnh viện JK Lon ở Kota, bang Tây Bắc Rajasthan xác nhận: “Số ca tử vong tính từ ngày 1/12 tới nay đã lên tới 109”. Khoảng 3/4 số trẻ em tử vong tại khoa chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt của bệnh viện JK Lon. Bộ Y tế đã chỉ định một tổ thanh tra về các trường hợp tử vong.
Số trẻ em tử vong quá lớn gây chú ý tại Ấn Độ và khiến mạng xã hội địa phương bất bình về các cơ sở chăm sóc sức khỏe của chính phủ. Việc thiếu nhân viên và cơ sở hạ tầng cùng tình trạng thiếu vệ sinh chính là nguyên nhân dẫn đến những cái chết của các bệnh nhân.
Bệnh viện JK Lon là nơi duy nhất có khoa chăm sóc sóc trẻ sơ sinh đặc biệt trong bán kính 200 km do vậy nơi này thường tiếp nhận những ca bệnh nặng từ nhiều nơi khác từ đó gia tăng tỷ lệ tử vong.
Quốc hội Venezuela có chủ tịch mới
Quốc hội Venezuela đã bầu nghị sĩ thuộc Đảng Công lý Trước tiên (PJ) Luis Parra làm Chủ tịch Quốc hội nước này, thay cho thủ lĩnh đối lập Juan Guaido.
Ông Luis Parra nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ thuộc Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã công nhận việc Quốc hội nước này bầu ban lãnh đạo mới, cũng như việc ông Luis Parra được bầu làm chủ tịch mới của cơ quan lập pháp này. Trong khi đó, phe đối lập tuyên bố không công nhận ban lãnh đạo Quốc hội mới.
Venezuela đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị từ tháng 1-2019 sau khi ông Juan Guaido tự xưng là Tổng thống lâm thời của nước này.