Tin vắn thế giới ngày 1/1: Thông điệp "đoàn kết" trong bài phát biểu chào năm mới của Tổng thống Putin
Thế giới - Ngày đăng : 07:58, 01/01/2020
Thông điệp "đoàn kết" trong bài phát biểu chào năm mới của Tổng thống Putin
Trong bài phát biểu mừng năm mới theo truyền thống vào ngày 31/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi người Nga đoàn kết vì tương lai đất nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga xuất hiện bên ngoài Điện Kremlin và gửi thông điệp tới toàn thể người dân Nga, được truyền hình trên cả nước trong đêm giao thừa. Đây là bài phát biểu lần thứ 16 của vị tổng thống 67 tuổi này kể từ khi Tổng thống Boris Yeltsin bất ngờ tuyên bố từ chức đúng dịp năm mới 1999. Bài phát biểu lần này đánh dấu 20 năm kể từ khi ông Putin lần đầu tiên ngồi ở chiếc ghế quyền lực nhất nước Nga.
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Putin nói: "Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy sự kiện, rất năng động và gây tranh cãi, nhưng chúng ta phải làm mọi cách để đảm bảo rằng nước Nga phát triển thành công. Chỉ khi chung tay, chúng ta mới giải quyết được mọi vấn đề phía trước vì đất nước, vì xã hội của chúng ta. Tình đoàn kết là nền tảng để đạt những mục tiêu cao nhất".
Nhà lãnh đạo nước Nga cho biết ông mong chờ lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng của Nga trong Chiến tranh Thế giới II vào năm 2020 và bày tỏ biết ơn những người cựu chiến binh đã giúp tạo ra vinh quang này. Moskva dự kiến sẽ mời các lãnh đạo thế giới đến dự lễ kỷ niệm trên, vào ngày 9/5/2020, một trong những kỳ nghỉ chính thức lớn nhất của Nga.
Nga và Ukraine cân nhắc thỏa thuận trao đổi tù nhân mới
Văn phòng Tổng thống Ukraine ngày 31/12 cho biết nước này và Nga đang nỗ lực hướng tới một thỏa thuận trao đổi tù nhân mới, chỉ hai ngày sau khi hai bên tiến hành cuộc trao đổi 200 tù nhân.
Trong một tuyên bố sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, Văn phòng Tổng thống khẳng định hai nước đã nhất trí ngay lập tức lên danh sách những người nằm trong diện được trả tự do nếu cuộc trao đổi mới diễn ra.
Người biểu tình Iraq gây bạo loạn tại đại sứ quán Mỹ
Người biểu tình tại thủ đô Baghdad đã cố gắng xông vào đại sứ quán Mỹ nhằm phản đối cuộc không kích của quân đội Mỹ nhắm vào một nhóm dân quân người Shiite PMU của Iraq được Iran hậu thuẫn ở Iraq.
Ba nhà lãnh đạo của các nhóm dân quân cũng được nhìn thấy trong cuộc biểu tình.
Mỹ đã thực hiện 5 cuộc không kích ở Iraq và Syria nhắm vào các cơ sở do nhóm phiến quân thân Iran kiểm soát khiến ít nhất 25 người thiệt mạng và 51 người bị thương.
Iran tố Washington “biện minh” cho vụ không kích Iraq
Ngày 30/12, sau các vụ không kích nhằm vào các lực lượng dân quân Iraq được Iran hậu thuẫn hôm 29/12 - được cho là đã làm 25 người thiệt mạng, Washington khẳng định chỉ nhằm đáp trả vụ nhà đấu thầu Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng rocket của nhóm Kata'ib Hezbollah. Mỹ cũng cho rằng đã rất “kiềm chế” trước loạt tấn công liên quan tới Iran, nhằm vào các căn cứ Mỹ và liên quân tại Iraq kể từ tháng 10.
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ali Rabiee phủ nhận liên quan tới các cuộc tấn công và cho rằng Mỹ đang “phá hoại”, “biện hộ cho việc ném bom và giết hại, vi phạm các nguyên tắc của quốc tế". "Chừng nào Mỹ tiếp tục hiện diện một cách không cần thiết tại Iraq và Syria, sẽ không thể có hòa bình", ông Rabiee nhấn mạnh.
Indonesia cáo buộc Trung Quốc vi phạm chủ quyền gần Biển Đông
Thông báo của Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 30/12 cho biết, tàu tuần duyên của Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở ngoài khơi bờ biển phía bắc của quần đảo Natuna. Indonesia cáo buộc đây là hành động “vi phạm chủ quyền” của tàu Trung Quốc.
Indonesia cũng cho hay đã triệu đại sứ Trung Quốc và gửi công hàm để phản đối. Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia sẽ báo cáo lại vụ việc với Bắc Kinh. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn quyết định duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp. Trước đó, truyền thông nước này đưa tin nhiều ngư dân địa phương đã nhìn thấy một tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống các tàu cá vài lần trong những ngày gần đây.
Hàn Quốc ân xá gần 1.900 người trốn nghĩa vụ
Chính phủ Hàn Quốc hôm qua (30/12) thông báo kế hoạch ân xá cho 5.174 người để mừng năm mới, trong đó có 1.879 người trốn nghĩa vụ quân sự. Những người này từ chối nhập ngũ vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ không cho phép cầm súng hoặc các loại vũ khí khác.
Tuần trước, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua đạo luật cho phép người trốn nhập ngũ vì lý do lương tâm hoặc tín ngưỡng được thực hiện nghĩa vụ công ích thay thế. Luật pháp Hàn Quốc trước đó quy định tất cả nam giới phải đi nghĩa vụ quân sự trước sinh nhật lần thứ 28, trừ những người không đủ điều kiện sức khỏe hoặc các vận động viên vô địch Asiad hoặc đoạt huy chương đồng trở lên tại Olympic.
Ấn Độ sẽ vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới
Hãng tin RT (Nga) ngày 31/12 dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại Anh cho biết, Ấn Độ sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỉ USD trước năm 2026, qua đó vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Đến năm 2034, nền kinh tế của quốc gia Nam Á này sẽ đứng thứ 3 toàn cầu.
Theo CEBR, 3 quốc gia Ấn Độ, Đức và Nhật Bản sẽ tiếp tục cạnh tranh giành vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 trong 15 năm tới. CEBR cũng lưu ý rằng tình trạng tăng trưởng chậm trong năm qua đã làm gia tăng sức ép cho Ấn Độ cần phải cải cách kinh tế một cách triệt để hơn nữa.
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật chính thức có hiệu lực từ ngày 2/1/2020
Thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ dự kiến chính thức có hiệu lực vào ngày 2/1. Theo đó, Nhật sẽ bãi bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với 7,2 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm thịt bò, và giúp các nông dân Mỹ có vị thế ngang hàng với các đối thủ cạnh tranh Australia và Canada.
Mỹ sẽ giảm thuế với các sản phẩm công nghiệp Nhật như một số loại thiết bị sản xuất hoặc linh kiện cho các bộ phận điều hòa không khí và vẫn duy trì mức thuế 2,5% hiện nay đối với ô tô và linh kiện ô tô. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đàm phán để có một thỏa thuận thương mại toàn diện.