Nhật Bản khởi động lại lò phản ứng hạt nhân gần nhất với tâm chấn năm 2011

Thế giới - Ngày đăng : 16:40, 27/11/2019

Ngày 27/11, Công ty Điện lực Tohoku của Nhật Bản thông báo đã nhận được những chấp thuận ban đầu cho việc khởi động lại lò phản ứng tại nhà máy điện Onagawa, hơn 8 năm sau khi nó bị hư hại trong trận động đất và sóng thần gây ra thảm họa Fukushima.

Điện lực Tohoku cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã nhận được sự chấp thuận ban đầu từ Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản để khởi động lại lò phản ứng số 2 tại Onagawa.

Nhật Bản khởi động lại lò phản ứng hạt nhân gần nhất với tâm chấn năm 2011

Nhà máy điện hạt nhân Onagawa của Công ty Điện lực Tohoku Power Electric Co. ở thị trấn Onagawa, tỉnh Miyagi, (ảnh chụp ngày 7 tháng 9 năm 2011). 

Trong số các trạm hạt nhân của Nhật Bản, Onagawa là trạm gần nhất đến tâm chấn của trận động đất mạnh 9 độ vào tháng 3 năm 2011, đã gây ra một cơn sóng thần giết chết gần 20.000 người, cũng như gây ra thảm họa nguyên tử tồi tệ nhất kể từ Chernobyl năm 1986.

Trạm hạt nhân này đã bị sóng thần nhấn chìm, nhưng hệ thống làm mát vẫn còn nguyên vẹn đã cứu các lò phản ứng của nó khỏi mối đe dọa của thảm họa tương tự như những gì xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Công ty điện lực TEPCO ở phía Nam.

Những điều kiện phê duyệt thêm sẽ được xem xét cùng với sự đồng ý của chính quyền địa phương trước khi nhà máy được phép khởi động lại.

Lò phản ứng này là lò phản ứng nước sôi (BWR) với thiết kế cơ bản giống như lò phản ứng đã bị hủy hoại trong thảm họa Fukushima.

Lò phản ứng nước sôi là lò phản ứng hạt nhân thuộc nhóm nước nhẹ, được sử dụng để sản xuất điện. Đây là kiểu lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện phổ biến thứ 2 sau kiểu lò phản ứng nước áp lực (PWR), cũng thuộc nhóm lò phản ứng nước nhẹ. Thiết kế BWR được ứng dụng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, bị hư hỏng trong trận động đất và sóng thần Tohoku vào tháng 3 năm 2011.

Fukushima là nơi từng cung cấp gần một phần ba lượng điện của Nhật Bản. Thảm họa Fukushima dẫn đến việc ngừng hoạt động các lò phản ứng của 54 quốc gia. Tất cả đã phải được cấp phép lại theo tiêu chuẩn mới sau khi thảm họa phơi bày những thất bại trong hoạt động và quy định.

Mặc dù sự chấp thuận này sẽ là một sự thúc đẩy cho sự hồi sinh ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản, ngành này vẫn sẽ không đạt được mục tiêu của chính phủ là cung cấp ít nhất 1/5 điện năng của đất nước vào năm 2030.

Đến nay đã có chín lò phản ứng đã được khởi động lại, tất cả đều là lò phản ứng nước sôi nằm cách xa Tokyo, trong khi công nghệ BWR cũ vẫn bị kiểm soát chặt chẽ sau thảm họa Fukushima.

Vấn đề an toàn hạt nhân ở Nhật Bản đã được nhắc lại một lần nữa vào đầu tuần này khi Đức Giáo hoàng Phanxicô - người đã có buổi gặp gỡ nạn nhân của thảm họa hạt nhân Fukushima trong chuyến thăm Nhật Bản cuối tuần qua. Trong buổi gặp gỡ, Đức Giáo hoàng đã bày tỏ không nên sử dụng năng lượng hạt nhân cho đến khi có sự bảo đảm an toàn cho mọi người và môi trường.

 

Trâm Anh (theo Reuters)