Các nhà đầu tư cảnh giác khi tình trạng bất ổn lan rộng từ Hongkong đến Santiago

Thế giới - Ngày đăng : 18:36, 13/11/2019

Bất ổn xã hội trên toàn thế giới đang ở mức báo động khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu buộc phải thận trọng hơn.

Các nhà đầu tư cảnh giác khi tình trạng bất ổn lan rộng từ Hongkong đến Santiago

Chứng khoán châu Á bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại và bất ổn Hongkong

Một số nhà đầu tư nhận thấy rằng, các yếu tố như tác động của toàn cầu hóa, bất bình đẳng giàu nghèo và biến đổi khí hậu tạo ra sự không chắc chắn chính trị trong vòng 5 đến 10 năm tới. Điều đó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến môi trường kinh doanh toàn cầu.

Những cuộc biểu tình diễn ra khắp nơi trên thế giới thể hiện sự bất ổn chính trị toàn cầu ngày càng cực đoan hơn. Nó khiến các nhà đầu tư tạm dừng hoạt động và khiến họ thận trọng hơn.

Bên cạnh đó, Brexit, cuộc bầu cử Mỹ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và cuộc nổi dậy ở Chile... cũng mang lại sự bất ổn đối với các thị trường trên toàn cầu.

Phản ứng của thị trường tài chính đối với tình trạng bất ổn cho đến nay vẫn rất lúng túng. Ví dụ, thị trường chứng khoán Chile, có mức giảm hàng tháng lớn nhất trong gần hai năm. Hay, nhiều cổ phiếu ở Leban gần đây đã đạt mức cao kỷ lục trước khi tuột dốc trong bối cảnh các cuộc biểu tình kéo dài hơn một tháng qua chống lại một hệ thống chính trị bị coi là tham nhũng và bất tài. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ tháng vừa rồi lại ở mức cao nhất mọi thời đại.

Ngày 13/11, chứng khoán châu Á và Phố Wall đã giảm do những tín hiệu khó hiểu về mức độ tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung hay những lo ngại về việc tăng cường bất ổn ở Hongkong làm giảm nhu cầu đầu tư vào những tài sản có nhiều rủi ro.

Tuần vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết một thỏa thuận thương mại sẽ được ký kết nhưng lại không đưa ra những thông tin bổ sung cụ thể về thời điểm hay địa điểm ký kết, khiến các nhà đầu tư trở nên ngày càng dè dặt hơn. Ông Trump cũng khiến một số nhà đầu tư lo ngại bằng cách đe dọa Trung Quốc sẽ nâng mức thuế lên cao hơn nếu họ không ký thỏa thuận.

Giá dầu cũng giảm khi triển vọng của giải pháp cho cuộc chiến thương mại kéo dài 16 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy nhu cầu năng lượng giảm trong tương lai.

Việc thiếu những tiến bộ trong quan hệ giữa hai nước chỉ làm tăng thêm nghi ngờ về việc liệu một thỏa thuận thương mại sẽ diễn ra hay không. Washington và Bắc Kinh đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa của nhau sau một cuộc tranh cãi gay gắt đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc mà chính quyền Trump nói là không công bằng. Bế tắc này đã làm náo loạn thị trường tài chính toàn cầu và làm tăng nguy cơ suy thoái cho một số nền kinh tế khi thương mại toàn cầu chậm lại.

Chứng khoán Hongkong lao dốc khi những người biểu tình dự định làm tê liệt một phần trung tâm tài chính châu Á trong ngày 12/11, với giao thông, trường học và nhiều doanh nghiệp đóng cửa sau khi bạo lực leo thang khắp thành phố. Cổ phiếu Trung Quốc giảm 0,18%, trong khi cổ phiếu Nhật Bản giảm 0,76%. Dầu thô Mỹ giảm 0,25% xuống 56,66 USD / thùng, trong khi dầu Brent giảm 0,35% xuống 61,84 USD / thùng do lo ngại về nhu cầu dầu yếu.

Trâm Anh