Ấn Độ: Khủng hoảng ô nhiễm môi trường
Thế giới - Ngày đăng : 13:34, 04/11/2019
Khói bụi ở khắp nơi
Mỗi mùa đông, New Delhi lại phải chịu một đợt khói bụi nặng nề gây ra bởi khói xe, khí thải công nghiệp và khói đốt nông nghiệp từ các bang láng giềng. Nhưng năm nay là năm tệ nhất trong vòng ba năm mà New Delhi phải gánh chịu.
Hệ thống Dự báo và nghiên cứu chất lượng không khí (SAFAR) cho biết mật độ bụi mịn PM2.5 đo được trong sáng 3/11 tại New Delhi là 810 microgram/m3, tức là mức "nguy hiểm cho sức khỏe". Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con số an toàn đối với sức khỏe là tối đa 25 microgram/m3.
Mười bốn thành phố của Ấn Độ bao gồm cả thủ đô nằm trong số 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới
Thủ hiến của New Delhi, ông Arvind Kejriwal, đã kêu gọi chính phủ thực hiện một loạt các biện pháp để chống lại cái mà ông mô tả là "ô nhiễm không thể chịu đựng được".
"Có khói ở khắp mọi nơi và mọi người, bao gồm cả thanh niên, trẻ em, người già đang cảm thấy khó thở", Kejriwal nói trong một video trên Twitter vào Chủ nhật.
Chính phủ của Kejriwal đã ra lệnh cho một nửa số xe ô tô tư nhân của thành phố không được tham gia giao thông, dựa trên quy định biển số chẵn lẻ.
Các trường học, đã đóng cửa vào thứ Sáu tuần trước, vẫn tiếp tục đóng cửa vào thứ Hai và việc xây dựng toàn thành phố đã bị dừng lại cho đến thứ Ba ở Delhi và các khu vực lân cận.
Tầm nhìn kém khiến các hãng hàng không lớn như Air India và Vistara thông báo hủy hoặc chuyển hướng các chuyến bay đến và đi từ sân bay New Delhi. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương đã than phiền về chứng đau mắt và viêm họng nên họ đã phải dùng khẩu trang để tự bảo vệ mình.
Kejriwal cho biết chính quyền cũng đang phát mặt nạ chống khói bụi cho học sinh.
Tình trạng khói bụi độc hại bao trùm New Delhi mỗi mùa đông, do khói xe cộ, khí thải công nghiệp và khói từ việc đốt nông nghiệp ở các bang lân cận
Nhiều địa phương khác của đất nước này cũng đã bị nghẹt thở bởi khói bụi, Ủy ban kiểm soát ô nhiễm trung ương của chính phủ cho biết hôm Chủ nhật.
Các nhà chức trách đã đưa một chiếc xe với một máy lọc không khí đến Taj Mahal, địa điểm du lịch hàng đầu của Ấn Độ, cách New Delhi 250 km (150 dặm) về phía Nam, với lo ngại tình trạng ô nhiễm có thể làm tổn hại đến lăng mộ bằng đá cẩm thạch thế kỷ 17 này.
Với một cuộc bầu cử tiểu bang tại Delhi vào đầu năm 2020, cuộc khủng hoảng ô nhiễm cũng trở thành một cuộc tranh luận chính trị, khi các bên đổ lỗi cho nhau về các điều kiện khắc nghiệt của môi trường.
Kejriwal, người đã ví Delhi là một "lò chứa khí" vào thứ Sáu, cho biết thành phố của ông đã thực hiện một vài biện pháp để hạn chế ô nhiễm và việc đốt bã lúa mì ở các trang trại thuộc các bang lân cận thủ đô là nguyên nhân gây ra khói bụi.
Bộ trưởng môi trường quốc gia Prakash Javadekar cáo buộc Kejriwal đã chính trị hóa vấn đề này và khiến cho các bang lân cận mang tiếng xấu
Một nhóm các nhà môi trường đã viết thư cho Thủ tướng Narendra Modi vào Chủ nhật kêu gọi ông "lãnh đạo" để giải quyết vấn đề này.
Các nhà môi trường chỉ trích rằng các đảng phái chính trị "mải mê đổ lỗi cho nhau trong khi người Ấn Độ đang chết dần chết mòn".
Khủng hoảng ô nhiễm gia tăng
Ấn Độ đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ô nhiễm gia tăng trong thập kỷ qua. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mười bốn thành phố của Ấn Độ bao gồm cả thủ đô nằm trong số 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Các chuyên gia cảnh báo rằng cả chính phủ tiểu bang và quốc gia cần phải thực hiện các biện pháp khắc phục dài hạn và giải quyết triệt để các nguyên nhân gây ô nhiễm lớn nếu muốn chất lượng không khí được cải thiện trong dài hạn.
Giải pháp ngăn chặn "không thể thay thế cho việc giải quyết các nguồn ô nhiễm không khí mãn tính lâu dài", Daniel Cass, Phó Chủ tịch cấp cao về sức khỏe môi trường của Tổ chức y tế phi lợi nhuận toàn cầu Vital Strategies cho biết.
Ông nói rằng nên hạn chế khí thải đối với xe máy và xe tay ga, vốn được sử dụng nhiều ở Delhi nhưng được miễn không bị áp dụng “chương trình biển số chẵn lẻ”, và kêu gọi đầu tư vào giao thông công cộng nhiều hơn.
Thay đổi tập quán nông nghiệp, chuyển đổi nguồn phát điện và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống sưởi ấm tại nhà từ than thành khí tự nhiên cũng là những biện pháp chính trong cuộc chiến ô nhiễm, Cass nói.
Năm ngoái, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết 14 trong số 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều ở Ấn Độ.