Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, phụ nữ Iran được phép vào sân cổ vũ bóng đá

Thế giới - Ngày đăng : 17:06, 09/10/2019

Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, phụ nữ Iran sẽ được tự do vào sân vận động bóng đá vào thứ năm tới, sau khi FIFA đe dọa sẽ đình chỉ cộng hòa Hồi giáo này vì chính sách chỉ dành cho nam gây tranh cãi.

Mọi trận đấu đều phải xem trên tivi

Iran đã cấm các khán giả nữ tại các trận bóng đá và các sân vận động khác trong khoảng 40 năm qua, vì các giáo sĩ cho rằng họ phải được bảo vệ khỏi bầu không khí nam tính và hình ảnh những người đàn ông mặc trang phục không kín đáo.

Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA tháng trước đã bắt buộc Iran cho phép phụ nữ tới các sân vận động mà không bị hạn chế về số lượng vé.
Lệnh này được đưa ra sau khi một người hâm mộ được mệnh danh là "Cô gái màu xanh" đã chết sau khi tự thiêu vì sợ bị bỏ tù vì hóa trang thành một cậu bé để tham dự một trận đấu.

Phụ nữ Iran đã được phép mua vé đến cổ vũ vòng loại World Cup 2022 của Iran với Campuchia tại sân vận động Azadi của Tehran vào thứ năm.

Lô hàng đầu tiên được bán hết trong vòng một giờ, và các ghế bổ sung cũng hết veo trong thời gian ngắn, truyền thông nhà nước cho biết.
Một quan chức của Bộ thể thao cho biết sân vận động có sức chứa 100.000 người - có tên là "Tự do" ở Farsi - đã sẵn sàng đón tiếp nhiều phụ nữ hơn nữa.

Một trong số 3.500 phụ nữ đã có được vé vào xem trận đấu là Raha Poorbakhsh, một nữ nhà báo bóng đá. "Tôi vẫn không thể tin điều này sẽ xảy ra bởi vì sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, xem mọi thứ trên tivi, giờ tôi có thể trải nghiệm mọi thứ trực tiếp", cô nói với AFP.

Cô gái màu xanh

Nhưng Poorbakhsh cho biết cô biết nhiều phụ nữ khác vẫn chưa có vé và một số người có thể sẽ đi từ những nơi xa như Ahvaz ở miền Nam Iran tới đây với hy vọng vẫn có được một vé vào xem.

Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, phụ nữ Iran được phép vào sân cổ vũ bóng đá

Nhà báo thể thao Iran Raha Pourbakhsh cho biết đã mua vé trận đấu World Cup 2022 của Iran-Campuchia qua mạng trước sân vận động Azadi ở thủ đô Tehran

Tuy nhiên, những người may mắn mua được vé xem trận bóng vẫn sẽ bị cách ly khỏi nam giới và được trông chừng bởi 150 nữ cảnh sát, theo hãng tin Fars.

Người dân trên đường phố Tehran cho biết họ ủng hộ quyết định cho phép phụ nữ vào sân vận động. "Tôi muốn có tự do cho phụ nữ, như đàn ông, tự do đi lại và thậm chí ngồi cạnh nhau mà không có bất kỳ hạn chế nào, như các quốc gia khác", một người phụ nữ nói với phóng viên.

Nader Fathi, người điều hành một doanh nghiệp quần áo, cho biết sự hiện diện của phụ nữ có thể cải thiện bầu không khí trong các sân vận động. Nhưng ông nói "họ sẽ hối hận" khi họ phải tiếp xúc với "những lời chửi thề thực sự tồi tệ" và những "hành vi xấu".

Con đường gập ghềnh mà phụ nữ Iran đã đi để có thể được phép vào các sân vận động không phải là không có thảm kịch.

Sahar Khodayari đã chết vào tháng trước sau khi tự thiêu bên ngoài tòa án vì sợ bị bỏ tù vì tham dự một trận đấu.

Được mệnh danh là "cô gái màu xanh" vì màu sắc của câu lạc bộ mà cô ấy ủng hộ - câu lạc bộ bóng đá Esteghlal - cô ấy đã bị giam giữ vào năm ngoái khi tìm cách vào một sân vận động bằng cách cải trang thành một cậu bé.

Cái chết của cô đã gây ra một sự phản đối kịch liệt, nhiều người kêu gọi FIFA khai trừ Iran ra khỏi liên đoàn và người hâm mộ tẩy chay các trận đấu.

Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Iran Gholamhossein Esmaili nói rằng việc Sahar Khodayari biết sẽ bị bỏ tù trong 6 tháng là "tin đồn bịa đặt".

Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, phụ nữ Iran được phép vào sân cổ vũ bóng đá

Phụ nữ Iran được tự do vào sân vận động bóng đá lần đầu tiên vào ngày 10 tháng 10 khi Iran tiếp đón Campuchia trong vòng loại World Cup 2022 tại sân vận động Azadi của Tehran

Cái bóng của FIFA

Trước Qatar 2022, Iran đã phải chịu áp lực từ FIFA và cho phép phụ nữ tới xem các trận vòng loại World Cup này.

Lệnh cấm phụ nữ trong các sân vận động không được viết thành luật hoặc quy định, nhưng nó đã được thực thi nghiêm ngặt.

Kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, phụ nữ rất hiếm khi có quyền vào các sân vận động ở Iran.

Khoảng 20 phụ nữ Ailen đã tham dự vòng loại World Cup năm 2001, và bốn năm sau, vài chục phụ nữ Iran được phép xem "Đội Melli" quốc gia ở Bahrain.

Vào tháng 10, có tới 100 phụ nữ "được lựa chọn cẩn thận" của Iran vào Azadi để xem trận giao hữu với Bolivia. Nhưng ngay ngày hôm sau, việc đó đã bị cảnh báo sẽ không lặp lại, bởi nó sẽ "dẫn đến tội lỗi".

Vấn đề này đã gây chia rẽ mạnh mẽ ở Iran.

Những người theo chủ nghĩa cải cách đã hoan nghênh quyết định cho phép phụ nữ tới cổ vũ trận đấu vào ngày mai (10/10), trong khi những người bảo thủ cho rằng bóng đá không phải là ưu tiên của phụ nữ.

Tờ báo tài chính Donya-e-Eqtesad gọi đây là "một bước làm giảm những điều cấm kỵ và cũng giải phóng bóng đá Iran khỏi cái bóng hình phạt của FIFA".

Nhưng nhật báo Keyhan với quan điểm cực kỳ bảo thủ cho biết phụ nữ chỉ cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề kinh tế. "Có nhiều cô gái vẫn còn độc thân và ở nhà, sợ chi phí kết hôn. Chính phủ nên nghĩ về điều này, và không nên gửi họ đến sân vận động", tờ báo dẫn lời một người mẹ.

Trâm Anh (theo AFP)