Triều Tiên phóng tên lửa: Giám sát ngoại giao bằng động thái quân sự?

Thế giới - Ngày đăng : 15:32, 02/10/2019

Sáng 2/10, Triều Tiên phóng ít nhất 1 tên lửa đạn đạo dường như từ tàu ngầm gần Wonsan chỉ vài ngày trước khi Washington và Bình Nhưỡng chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ từ lâu.

Ít nhất một quả tên lửa đã được phóng từ khu vực biển phía Đông Triều Tiên vào sáng ngày 2/10. Tên lửa này đã bay 450 km và đạt độ cao tối đa 910 km. Nhật Bản cho biết Triều Tiên dường như phóng 1 quả tên lửa, sau đó nó tách làm 2 và một phần đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Không có báo cáo về thiệt hại cho tàu thuyền hoặc máy bay.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chỉ trích các vụ phóng tên lửa, nói rằng Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và cộng đồng quốc tế, đồng thời làm hết sức để duy trì và bảo vệ sự an toàn của người dân chúng tôi” - AP dẫn lời ông Abe nói.

Vũ khí Triều Tiên ở một tầm cao mới

Tên lửa "được cho là một trong những mẫu Pukkuksong", Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết trong một tuyên bố, đề cập đến một dòng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) đang được Triều Tiên phát triển.

JCS cho rằng Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLMB) thuộc loại Pukkuksong từ khu vực biển phía Đông Triều Tiên trong vụ phóng sáng 2/10. Tên lửa này đã bay 450 km và đạt độ cao tối đa 910 km. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là vụ phóng thử tên lửa SLBM đầu tiên của Triều Tiên trong 3 năm qua, kể từ ngày 24/8/2016. Trong cuộc thử nghiệm đó, tên lửa Pukkuksong-1, còn được gọi là KN-11, đã bay khoảng 500 km trên Biển Nhật Bản.

Triều Tiên phóng tên lửa: Giám sát ngoại giao bằng động thái quân sự?

Việc phóng tên lửa diễn ra một ngày sau khi Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ với Washington vào cuối tuần này

Nếu đây đúng là loại SLMB thì kho vũ khí của Triều Tiên đã được nâng lên một tầm cao mới, cho phép triển khai vượt xa bán đảo Triều.

JCS tuyên bố đang theo dõi sát tình hình và các lực lượng "đang ở trạng thái sẵn sàng" nếu có các vụ phóng tiếp theo, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Những vụ phóng như thế này "không hữu ích cho những nỗ lực giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và chúng tôi kêu gọi Triều Tiên một lần nữa dừng lại ngay lập tức", Hàn Quốc nói.

Triều Tiên đã thực hiện thử nghiệm thành công Pukkuksong-1 nhiên liệu rắn, còn được gọi là KN-11, vào tháng 8 năm 2016 bay khoảng 500 km. Hồi tháng 7, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã công bố những bức ảnh Kim Jong Un đang kiểm tra một loại tàu ngầm mới, làm dấy lên mối lo ngại rằng Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh chương trình SLBM.

Các nhà phân tích cho rằng tên lửa được cho là đã được bắn ở góc độ cao, thêm vào đó có khả năng là tên lửa đạn đạo tầm trung với tầm bay thực tế khoảng 2.000 km.

Vipin Narang, Phó Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, đã dẫn chứng một loạt vụ phóng gần đây của Bình Nhưỡng và cuộc thử nghiệm hôm 2/10, gọi đó là "một hệ thống vũ khí hạt nhân rõ ràng".

"Việc phóng tên lửa đạn đạo vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và chúng tôi phản đối mạnh mẽ và lên án mạnh mẽ", Thủ tướng Shinzo Abe nói với các phóng viên. Triều Tiên bị cấm phóng tên lửa đạn đạo theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cho ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kể từ khi bắt đầu đối thoại với Mỹ. Tuy nhiên tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân Triều Tiên tiến triển rất chậm dù hai nhà lãnh đạo đã 3 lần gặp nhau.

Từ tháng 5 vừa qua, Triều Tiên bắt đầu khôi phục phóng tên lửa. Từ đó đến nay, Triều Tiên đã phóng ít nhất 18 tên lửa, pháo phản lực cỡ lớn từ 10 điểm thử quân sự khác nhau. Giới chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đã thử nghiệm 4 loại vũ khí mới với phần lớn tên lửa được phóng được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23. Tên lửa KN-23 có thể mang đầu đạn hạt nhân, được thiết kế có khả năng tránh bị bắn chặn cao, có thể bắn tới mọi nơi ở Hàn Quốc - nơi Mỹ có hàng nghìn binh sĩ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đưa ra thời hạn cho ông Trump đến cuối năm nay phải dỡ bỏ trừng phạt Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo sẽ có “hướng đi mới” nếu Mỹ không thay đổi lập trường.

Kết hợp ngoại giao và động thái quân sự?

Vụ phóng tên lửa ngày 2/10 là vụ phóng thứ 11 của Bình Nhưỡng kể từ đầu năm đến nay, đồng thời là vụ phóng thứ 9 của Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại làng đình chiến Panmunjom ở Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên hồi tháng 6 vừa qua.

Vụ phóng được tiến hành chưa đầy một ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-Hui cho biết nước này và Mỹ đã nhất trí tiến hành các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4/10, sau đó sẽ là các cuộc đàm phán cấp chuyên viên vào ngày 5/10.

Hai bên sẽ có "liên lạc sơ bộ" vào thứ Sáu và tổ chức đàm phán vào ngày hôm sau, Choe nói trong một tuyên bố của Cơ quan Thông tấn Trung ương chính thức Hàn Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus sau đó đã xác nhận các cuộc đàm phán mà bà nói sẽ diễn ra "trong tuần tới".

Các cuộc thảo luận nhằm mục đích thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đã đình trệ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.

Ông Kim Dong-yub, một nhà phân tích Viện Nghiên cứu Viễn Đông Seoul, và là cựu quan chức quân sự từng tham gia các cuộc đàm phán quân sự liên Triều, cho rằng vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng rõ ràng nhằm tăng áp lực lên Washington trước các cuộc đàm phán, nơi họ có thể yêu cầu Mỹ nhượng bộ về các lệnh trừng phạt.

Ông Trump hiện chưa đưa ra phát biểu về vụ phóng tên lửa sáng 2/10 của Bình Nhưỡng, nhưng một quan chức cao cấp trong chính quyền Washington cho biết, Mỹ đã biết về những vụ phóng mới nhất và tiếp tục theo dõi sát tình hình cùng các đồng minh trong khu vực.

Triều Tiên phóng tên lửa: Giám sát ngoại giao bằng động thái quân sự?

Vị trí quả tên lửa được phóng đi

Theo các nhà phân tích, Bình Nhưỡng thường kết hợp các cuộc giám sát ngoại giao bằng các động thái quân sự, như một cách để duy trì áp lực đối với các đối tác đàm phán, và có thể Bình Nhưỡng tin rằng hệ thống vũ khí này mang lại cho họ thêm đòn bẩy.

"Có vẻ như Triều Tiên muốn làm cho vị thế đàm phán của mình khá rõ ràng trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu", Harry Kazianis thuộc Trung tâm lợi ích quốc gia ở Washington cho biết. "Bình Nhưỡng dường như có ý định ép Washington rút các lệnh trừng phạt để yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn trong quá khứ đối với Triều Tiên", ông nói thêm.

Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên kết hợp đề nghị đàm phán với thử nghiệm vũ khí. Bình Nhưỡng đã thử nghiệm cái mà họ gọi là bệ phóng tên lửa "siêu lớn" vào tháng trước chỉ vài giờ sau khi Choe đưa ra tuyên bố nói rằng Triều Tiên sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán sơ bộ với Washington.

Các cuộc đàm phán giữa hai bên đã bế tắc kể từ hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 2 kết thúc mà không có thỏa thuận.

Hai bên đã đồng ý bắt đầu lại cuộc đối thoại trong cuộc họp ngẫu hứng tại Khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên vào tháng 6, nhưng sự phẫn nộ của Triều Tiên trước việc Mỹ từ chối hủy các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc đã khiến quá trình này bị đình trệ.

Mối quan hệ này đã dịu xuống vào tháng trước sau khi ông Trump sa thải cố vấn an ninh quốc gia “diều hâu” John Bolton, người mà Bình Nhưỡng đã nhiều lần tố cáo là người gây căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng.
 

Trâm Anh