Liên hợp quốc: Nhân loại phải cứu đại dương để tự cứu mình
Thế giới - Ngày đăng : 06:36, 26/09/2019
Hai ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thất bại trong việc đưa ra các cam kết “thay đổi trò chơi“ nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon, Liên hợp quốc cảnh báo rằng việc trái đất nóng lên khiến các đại dương và không gian băng giá của trái đất bị tàn phá đang trực tiếp đe dọa đến một bộ phận lớn loài người.
Những tảng băng vỡ vụn
Các tảng băng vỡ vụn, sóng nhiệt biển, sông băng tan chảy, vùng chết đại dương - một loạt các tác động trên biển và băng đang làm suy giảm nguồn cá, nâng mực nước biển, làm cạn kiệt các nguồn cung cấp nước ngọt và gây ra các siêu bão vẫn những năm gần đây. Những tác động này không thể đảo ngược trong một khoảng thời gian dài hàng thế kỷ - theo một đánh giá mang tính bước ngoặt được phê chuẩn bởi Ủy ban liên chính phủ 195 quốc gia về biến đổi khí hậu (IPCC).
Bằng cách hấp thụ CO2 và hấp thụ nhiệt được tạo ra bởi khí nhà kính, đại dương đã giữ cho hành tinh là nơi con người có thể sinh sống được - nhưng với chi phí khủng khiếp
Tổng hợp 7.000 nghiên cứu được đánh giá ngang hàng, báo cáo cũng đưa ra một lời nhắc nhở khác về lượng khí thải nhà kính, chủ yếu là từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đang đẩy hành tinh về phía khí hậu nhà kính mà loài người chúng ta có thể không chịu đựng được. Báo cáo cũng báo động về những nhu cầu không thể ngăn chặn nổi. Đối với người dân một số quốc đảo và thành phố ven biển, điều gần như chắc chắn là trong tương lai sẽ phải tìm một nơi sinh sống khác.
Valerie Masson-Delmotte, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Khí hậu và Môi trường (Pháp) và đồng chủ tịch của IPCC cho biết: "Ngay cả khi chúng ta cố gắng hạn chế sự nóng lên toàn cầu, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục phải chứng kiến những thay đổi lớn trên đại dương. Nhưng ít nhất việc làm đó sẽ cho chúng ta thêm thời gian, để cho cả các hành động trong tương lai lẫn để thích nghi."
Báo cáo khoa học dài 900 trang là bản báo cáo thứ tư của Liên hợp quốc trong vòng chưa đầy một năm. Các báo cáo trước đó tập trung vào việc nhiệt độ trái đất đã tăng 1,5 độ C, suy giảm đa dạng sinh học, cũng như sử dụng đất và hệ thống lương thực toàn cầu. Cả bốn báo cáo đều kết luận rằng nhân loại phải thay đổi cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ hầu hết mọi thứ để tránh sự tàn phá tồi tệ nhất của sự tăng nhiệt độ trái đất và suy thoái môi trường.
Các dòng sông băng đang tan chảy do trái đất đang dần nóng lên
Bằng cách hấp thụ một phần tư CO2 nhân tạo và hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng do khí nhà kính tạo ra, các đại dương đã giữ cho hành tinh này là nơi có thể sống được - nhưng với cái giá rất khủng khiếp, báo cáo cho thấy. Đồng chủ tịch IPCC Ko Barrett, một quan chức của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cho biết: "Nhưng chúng ta đang không thể theo kịp những biến đổi đó."
Biển đã dần trở nên có tính axit, điều đó làm suy yếu khả năng hấp thụ CO2 của chúng; mặt nước ấm hơn đã làm gia tăng về số lượng và mở rộng phạm vi hoạt động của những cơn bão nhiệt đới chết người; sóng nhiệt biển đang quét sạch các rạn san hô nước nông.
Nguy hiểm nhất trong tất cả, sự gia tăng tốc độ tan chảy của các sông băng và đặc biệt là các tảng băng trên trên đỉnh Greenland và Nam Cực đang khiến mực nước biển dâng cao. Một phần của sông băng khổng lồ ở Ý thuộc dãy núi Mont Blanc được coi là gần như biến mất vào thứ Tư chính là nạn nhân của sự tan chảy nhanh chóng trong cái nóng cuối mùa hè.
Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã tổ chức các cuộc biểu tình về sự nóng lên toàn cầu
“Một thế giới của biển cả”
Kể từ năm 2005, mực nước biển dâng lên nhanh hơn 2,5 lần so với trong thế kỷ 20 và tốc độ này có thể tăng gấp bốn lần vào năm 2100 nếu lượng khí thải carbon tiếp tục không giảm, báo cáo nêu rõ. "Bất kể kịch bản khí thải như thế nào trong tương lai, chúng ta cũng vẫn phải đối mặt với một thế giới với mực nước biển cao hơn", đồng tác giả Bruce Glavovic, giáo sư tại Đại học Massey, New Zealand, lưu ý rằng nhân loại nên tập trung vào các bờ biển. "Việc gia tăng lớn của mực nước biển không phải là vấn đề không cấp thiết - đó là một cuộc khủng hoảng trầm trọng của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt."
Đến năm 2050, nhiều siêu đô thị ven biển và các quốc đảo nhỏ sẽ phải hứng chịu thảm họa thời tiết với tần suất hàng năm, điều mà trước đây một thế kỷ mới xảy ra một lần - ngay cả khi có sự giảm mạnh của khí thải nhà kính. Đến giữa thế kỷ, hơn một tỷ người sẽ phải sống ở những vùng đất thấp dễ bị tổn thương.
Kể từ năm 2005, mực nước biển đã tăng nhanh gấp 2,5 lần so với thế kỷ 20, một tốc độ có thể tăng gấp bốn lần nữa vào năm 2100 nếu lượng khí thải carbon tiếp tục không giảm
Cái giá phải trả quá đắt
Một số thành phố, chẳng hạn như New York, có kế hoạch chi hàng chục tỷ đô la - và có thể nhiều hơn - để củng cố hệ thống phòng thủ của họ.
Thật vậy, xây dựng đê cùng với các biện pháp khác sẽ làm giảm đáng kể thiệt hại gây ra bởi lũ lụt do mực nước biển dâng và do các cơn bão, theo Tóm tắt 42 trang của các nhà hoạch định chính sách của IPCC. Tuy nhiên, chi phí cho thực hiện các biện pháp như vậy có thể lên tới hàng trăm tỷ đô la mỗi năm. Đối với nhiều siêu đô thị và vùng đồng bằng đông dân cư ở các nước đang phát triển, một giải pháp kỹ thuật sẽ không thể thực hiện được hoặc rất tốn kém.
Nhà hoạt động môi trường 16 tuổi Greta Thunberg đã có một bài phát biểu đầy ngẫu hứng tại Liên hợp quốc vào đầu tuần này, trách cứ các nhà lãnh đạo thế giới đã không hành động để ngăn cản sự nóng lên toàn cầu
Theo các quy tắc đồng thuận của IPCC, tất cả các quốc gia phải ký vào một thỏa thuận đính kèm bản tóm tắt báo cáo, được viết ra để cung cấp cho các nhà lãnh đạo thông tin khách quan, dựa trên cơ sở khoa học.
Thỏa thuận Paris 2015 kêu gọi giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức "thấp hơn" 2 độ C và 1,5 độ C nếu có thể. Nhiệt độ trái đất cho đến nay đã tăng 1 độ C so với mức tăng trước thời đại công nghiệp.