Chính biến Sudan: Người dân vẫn cảnh giác khi cuộc biểu tình toàn quốc kết thúc
Thế giới - Ngày đăng : 16:50, 12/06/2019
Chiến dịch bất tuân dân sự làm tê liệt thủ đô của Sudan
Sinh hoạt hàng ngày đã bắt đầu trở lại bình thường nhưng có vẻ còn chậm chạp sau khi một hòa giải viên người Ethiopia tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo phản kháng và hội đồng quân sự cầm quyền đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán sau cuộc đàn áp đẫm máu vào tuần trước.
Tháng trước, các cuộc đàm phán đã sụp đổ vì hai bên không thể thống nhất về việc chính quyền mới sẽ do một quân nhân hay người ngoài quân đội đứng đầu.
Cuộc biểu tình kêu gọi một chiến dịch bất tuân dân sự đã diễn ra hôm Chủ nhật - gần một tuần sau một cuộc đàn áp bên ngoài trụ sở quân đội ở Khartoum vào ngày 3 tháng 6 khiến hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương.
Sáng nay, sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường - những chiếc xe buýt đã hoạt động trở lại, các cửa hàng ở một số quận cũng đã mở cửa.
Tuy nhiên, thị trường vàng ở trung tâm Khartoum vẫn đóng cửa, và nhiều người dân vẫn ở trong nhà do sự triển khai mạnh mẽ của lực lượng an ninh trên toàn thủ đô. "Tôi vẫn ở nhà vì lo lắng về sự hiện diện của lực lượng an ninh mang súng trên đường phố", Samar Bashir, một nhân viên công ty tư nhân nói. Một số cư dân khác cũng nói họ vẫn ở trong nhà vì các dịch vụ internet vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn trên toàn thủ đô, khiến công việc tại các văn phòng trở nên khó khăn. Một số công ty tư nhân cũng đã kéo dài kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr cho đến cuối tuần này. Lễ Eid al-Fitr còn gọi là Bayram, là ngày lễ tôn giáo quan trọng đánh dấu sự kết thúc của lễ Ramadan, tháng ăn chay thiêng liêng của người Hồi giáo
Sudan đã được lãnh đạo bởi một hội đồng quân sự kể từ khi các tướng lĩnh lật đổ tổng thống độc đoán Omar al-Bashir vào ngày 11 tháng 4 sau nhiều tháng biểu tình trên toàn quốc chống lại sự cai trị của ông trong ba thập kỷ.
Sau khi Bashir bị loại bỏ, những người biểu tình đã cắm trại bên ngoài trụ sở quân đội ở Khartoum trong nhiều tuần để yêu cầu thành lập một chính quyền dân sự và sau đó đã bị lực lượng an ninh và bán quân sự giải tán. Hội đồng quân sự cầm quyền sau đó từ chối yêu cầu của người biểu tình nhanh chóng tiến hành chuyển giao quyền lực cho một chính quyền quân sự.
Ngày 3/6, những cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở thủ đô Khartoum, khi phe đối lập huy động người ủng hộ chiếm giữ các tuyến đường, yêu cầu chính quyền quân sự từ chức. Phe quân đội triển khai các lực lượng cảnh sát và bán vũ trang tiến hành trấn áp người biểu tình, khiến hơn 100 người thiệt mạng và 700 người bị thương.
Bất chấp trấn áp từ phe quân đội, các cuộc biểu tình quy mô lớn tiếp tục nổ ra trong các ngày 9-10/6. Thủ đô Khartoum và thành phố Omdurman cạnh đó gần như tê liệt trong những ngày vừa qua.
Tướng Jamaleddine Omar, thành viên Hội đồng quân sự cầm quyền, cáo buộc chiến thuật chiếm giữ đường phố và cản trở giao thông của phe đối lập đã ngăn cản người dân tiếp tục cuộc sống bình thường. Phe quân sự cũng cáo buộc lực lượng đòi hỏi dân chủ phải chịu trách nhiệm cho "những hậu quả đáng tiếc" trong những ngày qua.
Trong khi đó, các thủ lĩnh phe đối lập cho biết các cuộc biểu tình diễn ra với quy mô "vượt quá sự mong đợi", đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục "phản kháng hòa bình" cho đến khi chính quyền quân sự từ bỏ quyền lực.