Rơi máy bay quân sự ở Ukraine, toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng

Thế giới - Ngày đăng : 16:56, 30/05/2019

Một vụ rơi máy bay trực thăng quân sự xảy ra đêm 29/5, gần làng Sestriatyn ở vùng Rivne của Ukraine, làm toàn bộ 4 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng, UNIAN đưa tin.

Rơi máy bay quân sự ở Ukraine, toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng

Máy bay trực thăng quân sự Mi-8 được thiết kế từ thời Liên Xô trước đây trong một buổi bay huấn luyện ở Ukraine. Ảnh: UNIAN

Thông tin ban đầu, tai nạn xảy ra khi chiếc trực thăng quân sự Mi-8 của quân đội Ukraine đang thực hiện chuyến bay huấn luyện theo lịch trình.

Theo hãng thông tấn UNIAN của Ukraine, chiếc máy bay gặp nạn bị mất liên lạc vào lúc 23h27 đêm 29/5 (theo giờ địa phương).

Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng cứu hộ và các nhân viên thực thi pháp luật đã được triển khai ngay tới hiện trường vụ tai nạn.

Censor.NET trích dẫn nguồn tin riêng cho biết, chiếc máy bay đã bốc cháy ngay sau khi hạ cánh khẩn cấp.

Vào lúc 1h00 sáng 30/5 (theo giờ địa phương), đám cháy đã được dập tắt. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra, làm rõ.

Đây là lần thứ hai trong vòng hai năm trở lại đây, tại Ukraine xảy ra tai nạn máy bay quân sự. Trước đó, hồi cuối năm ngoái, một máy bay tiêm kích Su-27 của không quân nước này đã gặp nạn khi đang hạ độ cao để đáp xuống căn cứ tại tỉnh Zhytomyr sau đợt huấn luyện định kỳ, làm phi công thiệt mạng.

Mil Mi-8 (tên hiệu NATO: Hip) là một máy bay trực thăng lớn hai động cơ. Theo Wikipedia, mẫu một động cơ đầu tiên (AI-24W), W-8, cất cánh ngày 9/7/1961. Chiếc thứ hai với hai động cơ AI-24W cất cánh lần đầu ngày 17/9/1962. Sau khi được sửa đổi một số chi tiết, nó được đưa vào phục vụ trong Không quân Xô viết năm 1967 với cái tên Mi-8.

Có rất nhiều biến thể, gồm Mi-8T ngoài khả năng vận chuyển 24 binh sĩ còn được trang bị các tên lửa điều khiển chống tăng. Kiểu Mil Mi-14 dùng cho hải quân, và kiểu Mil Mi-24 tấn công cũng là biến thể từ loại Mi-8.

Hơn 12.000 chiếc máy bay trực thăng đa chức năng Mi-8 đã được sản xuất với hơn 2.800 chiếc được xuất khẩu và chúng hiện phục vụ trong lực lượng không quân hơn 50 nước.

Bạch Dương (Theo UNIAN)