Chính biến Sudan: Tổng thống bị lật đổ Bashir chuyển sang nơi giam giữ mới
Thế giới - Ngày đăng : 20:13, 17/04/2019
Người biểu tình Sudan phát động các cuộc biểu tình chống chính phủ vào tháng 12 và đã nhiều ngày cắm trại trước trụ sở quân đội ở Khartoum
Hôm nay, các lãnh đạo quân sự của Sudan đã chuyển Tổng thống bị lật đổ Omar al-Bashir vào tù khi những người biểu tình tiếp tục ngồi ngoài trụ sở quân đội tại Khartoum gây áp lực đòi quân đội nhanh chóng chuyển giao việc lãnh đạo đất nước cho chính phủ dân sự.
Sau khi kết thúc sự cai trị của ông Bashir trong ba thập kỷ vào tuần trước, quân đội đã chuyển ông Bashir đến nhà tù Kober ở Khartoum.
Theo các nhân chứng gần nhà tù ở phía bắc Khartoum cho biết, có một đội quân được trang bị vũ khí và các thành viên của một nhóm bán quân sự bảo vệ phía bên ngoài nhà tù.
Từ khi tiếp quản chính phủ hôm thứ Năm tuần trước, những người cầm quyền mới của đất nước nói rằng ông Bashir đang bị giam giữ "ở một nơi an toàn" nhưng không cho biết cụ thể là ở đâu.
Omar al-Bashir cai trị Sudan trong 30 năm cho đến khi bị quân đội lật đổ vào tuần trước
Việc giam giữ ông Bashir đã không thể chấm dứt các cuộc biểu tình ở nước này. Những người phát động các cuộc biểu tình chống chính phủ vào tháng 12 và đã cắm trại nhiều ngày trước trụ sở quân đội ở Khartoum.
Các nhà lãnh đạo quân sự của Sudan đã đưa ra một số nhượng bộ đối với người biểu tình, bao gồm cả việc sa thải hôm thứ ba tổng công tố viên Omer Ahmed Mohamed, nhưng những người biểu tình vẫn lo ngại cuộc nổi dậy của họ có thể bị đàn áp.
"Chúng tôi phải đối mặt với hơi cay, nhiều người trong số chúng tôi đã bị bỏ tù. Chúng tôi đã bị bắn và nhiều người đã chết. Tất cả điều này là vì chúng tôi đã nói những gì chúng tôi muốn", một người biểu tình nói với AFP.
Các quan chức cho biết ít nhất 65 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến biểu tình kể từ tháng 12, với một số người bị giết đã được vẽ chân dung lên một bức tranh tường ở Khartoum.
Mặc dù đã có những cảnh ăn mừng - với những người biểu tình hát và vẫy cờ quốc gia của họ - những nơi biểu tình đã trở nên căng thẳng hơn vì những lo ngại quân đội sẽ cố gắng giải tán cuộc biểu tình.
"Bây giờ chúng tôi sợ rằng cuộc cách mạng của chúng tôi có thể không đạt được mục đích chính, đó là lý do tại sao chúng tôi đang giữ vững vị trí của mình ở đây. Chúng tôi đang ở đây cho đến khi nhu cầu của chúng tôi được đáp ứng", một người biểu tình nói.
Đầu tuần này, các nhân chứng cho biết một số xe quân đội đã bao vây khu vực và quân đội đang gỡ bỏ các chướng ngại vật mà người biểu tình đã dựng lên như là một biên pháp bảo vệ sự an toàn cho họ.
Khi lên nắm quyền hôm thứ Năm, quân đội cho biết một hội đồng quân sự sẽ điều hành đất nước trong hai năm, gây ra phản ứng dữ dội ngay lập tức từ các nhà lãnh đạo các cuộc biểu tình, những người đã đưa ra một loạt các yêu cầu.
Các cường quốc phương Tây trước đây kêu gọi Bashir chú ý đến yêu cầu của người biểu tình đã tiếp tục ủng hộ những người biểu tình, thúc đẩy một chính quyền dân sự trong các cuộc đàm phán với các nhà cai trị quân sự.
Chỉ một ngày sau, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Awad Ibn Ouf tuyên bố sẽ thôi giữ chức chủ tịch hội đồng, gây ra sự hân hoan trên đường phố Khartoum.
Người kế nhiệm của ông, Tướng Abdel Fattah al-Burhan giám sát các cuộc đàm phán cuối tuần với các đảng chính trị, đã không thành công. Ngoại trưởng Sudan đã nói Burhan "cam kết sẽ có một chính phủ dân sự hoàn chỉnh" và kêu gọi các quốc gia khác ủng hộ hội đồng.
Các nhà lãnh đạo quân sự đã phái một phái viên đến trụ sở của Liên minh châu Phi tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, nhưng khối khu vực này đe dọa sẽ đình chỉ Sudan về cuộc đảo chính.
Liên minh gồm 55 thành viên đã cho hội đồng quân sự 15 ngày để trao quyền cai trị dân sự, trong khi Liên hợp quốc đã chỉ định một đặc phái viên mới làm việc với Liên minh châu Phi về việc hòa giải cuộc khủng hoảng.
Các cường quốc phương Tây trước đây kêu gọi ông Bashir chú ý đến yêu cầu của người biểu tình đã tiếp tục ủng hộ những người biểu tình, thúc đẩy một chính quyền dân sự trong các cuộc đàm phán với các nhà cai trị quân sự.