Những tính toán sai lầm của Mỹ khó khuất phục được Triều Tiên

Thế giới - Ngày đăng : 17:59, 08/04/2019

Tính toán sai lầm trong chiến lược "gây sức ép tối đa", của Mỹ dẫn tới một thực tế rằng Triều Tiên giờ đây đủ khả năng sản xuất bom hạt nhân có sức công phá gấp hàng chục lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima.

Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu phức tạp trở lại.

Theo đó, chưa đầy một tháng sau hội nghị, Triều Tiên đã có động thái khôi phục hoạt động tại bãi phóng tên lửa Sohae, làm dấy lên quan ngại rằng nước này sắp thực hiện một vụ phóng vệ tinh, hành động mà Mỹ coi là cuộc thử nghiệm cho tên lửa tầm xa.

Từ lâu, các chính sách của Mỹ với Triều Tiên đã dựa trên giả định rằng một cuộc bao vây bằng lệnh cấm vận chạm tới "sức ép tối đa", sẽ khiến Bình Nhưỡng phải nhượng bộ và từ bỏ vũ khí hạt nhân để được nới lỏng cấm vận. Nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra tại hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim lần hai ở Hà Nội.

Những cuộc họp báo của hai bên sau hội nghị cho thấy, ông Kim Jong-un mới chính là người ra điều kiện với phía Mỹ. Lãnh đạo Triều Tiên không đưa bất cứ phần nào trong kho vũ khí hạt nhân đang sở hữu ra mặc cả, mà chỉ đề xuất ngừng phát triển chương trình này bằng cách phá dỡ tổ hợp Yongbyong, nguồn sản xuất nguyên liệu hạt nhân chính, và ngừng vĩnh viễn các vụ phóng tên lửa, thử hạt nhân.

Những tính toán sai lầm của Mỹ khó khuất phục được Triều Tiên

Tổng thống Trump vẫn coi "gây áp lực tối đa" là chính sách hiệu quả nhất

Đổi lại, ông Kim muốn chấm dứt các lệnh cấm vận Liên Hợp Quốc áp đặt với nước này sau năm 2016. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho khẳng định đây là đề xuất cuối cùng và Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ nhượng bộ thêm.

Động thái cứng rắn của Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh cho thấy nước này đang tìm cách lấn át Mỹ sau khi đã nắm trong tay lá bài hạt nhân, thay vì đầu hàng trước sức ép từ các lệnh cấm vận.

Trong khi đó, một số chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng đây chỉ là sự "lên gân" của Triều Tiên và đề xuất mà họ đưa ra là nỗ lực cuối cùng nhằm có được một thỏa thuận vớt vát thể diện.

Chính quyền Tổng thống Trump vẫn coi "gây áp lực tối đa" là chính sách hiệu quả nhất để giúp Mỹ có lợi thế khi ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên. Tổng thống Mỹ tin rằng, cách tiếp cận này sẽ giúp ông có được "phát bắn tốt nhất" để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên một lần và mãi mãi.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý bài học lịch sử cho thấy Mỹ gần như lần nào cũng lâm vào thế thua khi đánh cuộc rằng Triều Tiên đã rơi vào đường cùng.

Theo các chuyên gia, mỗi lần Mỹ không chấp nhận một thỏa thuận, cái giá họ phải trả cho cơ hội bị đánh mất chính là việc Triều Tiên đạt được tiến bộ nhanh chóng trong chương trình hạt nhân của mình.

Giờ đây, nếu các cuộc đàm phán giữa chính quyền Trump và Bình Nhưỡng lại rơi vào bế tắc, Triều Tiên hoàn toàn có thể thúc đẩy quá trình hoàn thiện phương tiện hồi quyển mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Một số bình luận viên cũng cho rằng, trên thực tế, Triều Tiên chỉ muốn được dỡ bỏ những lệnh cấm vận đang bóp nghẹt nền kinh tế và cuộc sống của người dân nước này, không phải là các biện pháp trừng phạt nhắm vào chương trình vũ khí.

Vì thế, việc gây thiệt hại cho người dân Triều Tiên để giành được thắng lợi trong việc thuyết phục chính quyền Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân là cách tiếp cận "sai lầm".

Hà Kim (Theo Yonhap)