Giải thưởng toán học danh giá Abel lần đầu tiên "xướng tên" một phụ nữ
Thế giới - Ngày đăng : 14:04, 20/03/2019
Bà Karen Keskulla Uhlenbeck đã vinh dự được trao Giải thưởng Toán học Abel 2019, một trong những giải thưởng toán học danh giá nhất thế giới
Sáng 20/3 (theo giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Nauy đã công bố chủ nhân Giải thưởng Toán học Abel 2019. Abel là một trong những giải thưởng toán học danh giá nhất thế giới, được chính phủ Nauy thành lập năm 2002, và bắt đầu trao giải thưởng đầu tiên vào năm 2003.
Giải thưởng Abel được đặt tên theo tên của nhà toán học Nauy ở thế kỷ 19, ông Niels Henrik Abel, nhằm tôn vinh những thành tựu toán học xuất sắc nhất, nhưng không xét những thành tựu đã được trao giải Nobel. Giải thưởng này có giá trị tiền mặt 6 triệu kroner (khoảng 703.000 USD).
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Abel Hans Munthe-Kaas nêu rõ, bà Karen Uhlenbeck nhận Giải thưởng Abel 2019 cho công trình nghiên cứu cơ bản về giải tích hình học và lý thuyết trường chuẩn. Theo ông Kass, công trình nghiên cứu của bà đã “thay đổi hoàn toàn diện mạo của toán học và vật lý”; từ lý thuyết của bà, sẽ giúp “giải thích bản chất của thực tế, cho đến tính hình học của không gian - thời gian”, CNN cho biết.
Bà Karen Keskulla Uhlenbeck, sinh ngày 24/8/1942, là nhà toán học người Mỹ Mỹ. Ngoài là học giả nghiên cứu cao cấp thỉnh giảng tại ĐH Princeton (Mỹ), bà còn là Giáo sư Toán làm việc tại Đại học Texas tại Austin.
Nổi tiếng là người ủng hộ mạnh mẽ vấn đề bình đẳng giới trong khoa học và toán học, Giải thưởng Abel mà bà Karen Uhlenbeck đã đạt được một lần nữa cho thấy những bước tiến vượt bậc của phái nữ trong nghiên cứu toán học - lĩnh vực mà theo quan niệm xưa nay vốn do nam giới thống trị.
Phát biểu khi nhận giải thưởng danh giá này, bà Uhlenbeck xúc động nói: “Tôi ý thức được rằng tôi được xem là hình mẫu cho các cô gái trẻ dấn thân vào lĩnh vực Toán học”. Thế nhưng bà cho rằng, sẽ thật khó để làm một “tấm gương”; nhưng “điều mà bạn thực sự cần làm đó là cho các sinh viên của bạn thấy rằng con người dù không hoàn hảo vẫn có thể trở nên thành công”, bà Uhlenbeck nhấn mạnh.