Cuộc điều tra của đảng Dân chủ - “Cơn ác mộng pháp lý” của Tổng thống Trump
Thế giới - Ngày đăng : 16:16, 06/03/2019
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerrold Nadler đã gửi văn bản đề nghị đến 81 cá nhân và tổ chức yêu cầu hợp tác cung cấp tài liệu phục vụ cho cuộc điều tra các cáo buộc lạm dụng quyền lực, cản trở pháp lý liên quan đến Tổng thống Donald Trump.
Trong danh sách các cá nhân, tổ được đề nghị cung cấp tài liệu có hai con trai của Tổng thống Trump là Donald Trump Jr. và Eric Trump cũng như Tập đoàn Trump của gia đình ông. Ngoài ra còn có các cựu trợ lý trong chính quyền của ông Trump như Steve Bannon, Hope Hicks.
Ông Nadler cho biết, cuộc điều tra sẽ tập trung vào 3 cáo buộc chính nhằm vào Tổng thống Trump gồm: cản trở pháp lý, tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Hiện, tất cả các cá nhân, tổ chức có tên trong danh sách đều đã được thông báo và hạn cung cấp tài liệu là vào ngày 18/3. Việc thu thập thông tin này sẽ là bước đầu để Ủy ban Tư pháp Hạ viện quyết định sẽ đề nghị cá nhân nào sẽ phải ra điều trần trước quốc hội để phục vụ cuộc điều tra.
Một số nguồn tin nói rằng, việc thu thập bằng chứng này của đảng Dân chủ có thể là nền tảng để tiến tới quá trình luận tội đối với Tổng thống Trump mặc dù ông Nadler khẳng định hiện còn quá sớm để bàn đến vấn đề này.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerrold Nadler
Cuộc điều tra của Ủy ban Tư pháp tại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát được đưa ra trong bối cảnh đội ngũ của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiếp tục điều tra nghi vấn Tổng thống Trump cản trở công lý và nghi vấn đội ngũ tranh cử của ông “thông đồng” với Nga. Tuy nhiên, các nghị sĩ Dân chủ cho biết họ sẽ cẩn trọng để tránh “xung đột” với cuộc điều tra của Công tố viên Mueller.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích cuộc điều tra của đảng Dân chủ, cho rằng việc thu thập tài liệu là minh chứng cho thấy họ không có bằng chứng cho các cáo buộc vô lý nhằm vào Tổng thống Trump.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cũng chỉ trích đây là cuộc điều tra nhằm vào những cáo buộc không đúng sự thật mà chính Công tố viên đặc biệt và các ủy ban khác của lưỡng viện đang điều tra.
Về phía Tổng thống Trump, ông viết trên Twitter tối ngày 3/3 rằng, đảng Dân chủ là “điên cuồng” và đang “quấy rối tổng thống” đồng thời công kích giới truyền thông là “độc ác và tham nhũng nhất mà một Tổng thống từng phải đối mặt”.
Nhưng với quyền lực và chức vị của ông Nadler, những phát biểu của ông trên truyền hình đã khiến “cơn ác mộng về chính trị và pháp lý” của Tổng thống Trump càng trở nên trầm trọng, và đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đối đầu giữa phe Dân chủ trong Hạ viện và Tổng thống Trump.
CNN nhận định, hiện Tổng thống Mỹ đang ở trong thế yếu. Được biết, quyết định của ông Nadler đến sau một tuần không mấy tốt đẹp về mặt chính trị đối với Tổng thống Trump. Tuần trước, ông Trump rời hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Trước đó, người từng là luật sư riêng Michael Cohen của ông Trump cũng đã điều trần 3 ngày liền trước quốc hội và công khai miêu tả tổng thống Mỹ là “kẻ lừa đảo”, dù ông Cohen không trực tiếp biết gì về mối liên hệ giữa Trump và Nga.
Phải đối diện với cuộc điều tra của ông Nadler, song song với các cuộc điều tra của các ủy ban giám sát và tình báo trong Hạ viện, Tổng thống Trump đang thực sự đứng trước một cuộc đối đầu chính trị với Quốc hội, điều chưa từng xảy ra trong hai năm đầu của nhiệm kỳ khi đảng Cộng hòa nắm cả 2 viện.