Hậu đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ: Kết án chung thân 74 cá nhân

Thế giới - Ngày đăng : 17:32, 22/11/2018

74 cá nhân đã bị kết án tù chung thân, vì liên quan đến đến vụ đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hồi tháng 7/2016, Anadolu đưa tin.

Theo Hãng Thông tấn nhà nước Anadolu, ngày 21/11, một tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên án mức tù chung thân tăng nặng với 74 bị cáo với tội danh “cố tình làm rối loạn trật tự hiến pháp”, khi tiến hành  đảo chính  nhằm lật đổ người đứng đầu  nước này song không thành.

Với việc bị áp mức án này, các cá nhân kể trên sẽ bị giam giữ nghiêm ngặt hơn, không được hưởng các hình thức ân xá hay tạm tha.

Hậu đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ: Kết án chung thân 74 cá nhân

74 bị cáo đã bị kết án tù chung thân vì liên quan đến vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7/2016

Trong số 74 cá nhân bị kết án tù chung thân vì liên quan đến vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hơn 2 năm, còn có các cựu quân nhân song không rõ con số cụ thể là bao nhiêu, Anadolu cho biết.

Trong cuộc đảo chính bất thành diễn ra đêm 15/7/2016, ít nhất 251 người chết và hơn 2.200 người bị thương khi một nhóm các binh lính sử dụng xe tăng và máy bay chiến đấu tấn công các cơ quan trọng yếu của chính phủ nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan.

Đến nay, câu hỏi ai đứng sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một bí ẩn lớn. Ankara cho rằng giáo sĩ Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ, đứng sau âm mưu này.  Tuy nhiên, Ankara không đưa ra được bằng chứng nào cho cáo buộc này. Trong khi đó, giáo sĩ Gulen bác bỏ cáo buộc, đồng thời “tố” ngược chính phủ của Tổng thống Erdogan “dàn dựng” vụ đảo chính.

Theo đó, vào ngày xảy ra đảo chính, Tổng thống Erdogan đang nghỉ tại một khách sạn ở thành phố Marmaris, ven Địa Trung Hải. Tuy nhiên, ông đã kịp rời đi khoảng 1 giờ trước khi binh sĩ nổi loạn đột kích vào đây.

Giáo sĩ Hồi giáo Gullen

Giáo sĩ Hồi giáo Gulen, người bị chính quyền Tổng thống Erdogan cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính bất thành ngày 15//2016

Ông Erdogan sau đó cho biết, ông kịp rời đi do nhận được thông tin tình báo. Các nguồn tin nói rằng, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) nhận được thông tin tình báo về cuộc đảo chính lúc 14h45 từ một phi công. Tuy nhiên, phải đến 18h30 cùng ngày, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mới bắt đầu hành động để ngăn chặn đảo chính. Câu hỏi được đặt ra là tại sao quân đội nước này phải chờ vài tiếng đồng hồ mới hành động.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã thực hiện chiến dịch truy quét quy mô lớn nhằm vào các cá nhân và tổ chức tình nghi có liên quan tới giáo sĩ trên, song vấp phải sự phản đối từ các đồng minh phương Tây khi cho rằng Tổng thống Erdogan nhân cơ hội này để loại bỏ các thành phần chống đối.

Tuy nhiên, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định các biện pháp này là cần thiết xét trong bối cảnh nước này vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy co đe dọa an ninh quốc gia.

Mới đây nhất, ngày 20/11, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ 195 đối tượng tình nghi liên quan đến mạng lưới ủng hộ giáo sĩ Gulen. Trong khi đó cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul cho biết kể từ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành năm 2016 đến nay, Ankara đã phạt tù hơn 260.000 người, đồng thời bắt giữ gần 58.000 người có quan hệ với mạng lưới của giáo sĩ Gulen.

Bạch Dương