Bí ẩn bao trùm xung quanh vụ máy bay Indonesia rơi xuống biển
Thế giới - Ngày đăng : 17:06, 30/10/2018
Sáng 29/10, chiếc phi cơ của Hãng hàng không giá rẻ Lion Air (Indonesia) mang số hiệu JT 610 khởi hành từ sân bay Soekarno-Hatta, Thủ đô Jakarta tới Pangkal Pinang, tỉnh Bangka Belitung được nhà chức trách Indoneisa xác nhận rơi xuống vùng biển thuộc huyện Tanjung Karawang, tỉnh Tây Java.
Theo Bộ Giao thông Indonesia, chỉ 13 phút sau khi cất cánh chiếc máy bay gặp nạn, lao thẳng xuống biển. Lúc gặp nạn, máy bay chở theo 181 hành khách cùng phi hành đoàn 7 người. Đặc biệt, trên chiếc phi cơ gặp nạn có 23 quan chức thuộc Bộ Tài chính Indonesia.
Thông tin cụ thể từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho thấy, các quan chức này đang làm việc tại cơ sở ở Bangka. Trong số họ, có nhiều người lên chuyến bay định mệnh để quay trở về văn phòng sau đợt công tác tại Thủ đô và tham gia một sự kiện do bộ chủ quản tổ chức, một số khác vừa dành thời gian cuối tuần với gia đình tại Jakarta.
Chiếc máy bay gặp nạn ở Indonesia mới hoạt động từ tháng 8
Điều được quan tâm nhất lúc này đó chính là nguyên nhân vụ việc. Ông Geoffrey Thomas, một trong những chuyên gia hàng không hàng đầu thế giới nhận định rằng, vụ việc lần này là bí ẩn thực sự bởi một chiếc máy bay mới toanh vừa giao được vài tháng đã gặp nạn.
Hãng hàng không giá rẻ của Indonesia cho biết, chiếc phi cơ xấu số vừa được kiểm định và hoàn toàn đủ tiêu chuẩn hoạt động. Máy bay vừa được sản xuất trong năm 2018, đi vào hoạt động từ ngày 15/8. Như vậy, tính đến thời điểm gặp nạn, chiếc Boeing 737 Max 8 mới phục vụ được 75 ngày, đánh dấu lần đầu tiên một chiếc máy bay thuộc dòng Boeing 737 Max 8 gặp tai nạn thảm khốc.
Hơn nữa, chuyến bay mang số hiệu JT610 do đội bay dày dặn kinh nghiệm điều hành. Trong đó, Cơ trưởng Bhavye Suneja đã có kinh nghiệm hơn 6.000 giờ bay còn Cơ phó Harvino cũng có đến 5.000 giờ kinh nghiệm.
Đáng chú ý, Giám đốc điều hành Lion Air - Edward Sirait cho biết, tối 28/10, chiếc Boeing 737 MAX từng gặp vấn đề kỹ thuật nhưng kỹ sư của hãng đã nhanh chóng khắc phục, đảm bảo chiếc máy bay này có thể cất cánh vào sáng 29/10. Tuy nhiên, trong chuyến bay ngày 29/10, từ dữ liệu ban đầu cho thấy, chiếc 737 Max 8 thay đổi độ cao liên tục trước khi mất liên lạc.
Ông Yohanes Sirait, người phát ngôn của cơ quan hàng không Indonesia tiết lộ rằng, chiếc phi cơ của hãng Lion Air đã gửi yêu cầu quay trở lại sân bay ngay trước khi mất tín hiệu liên lạc. Đài Kiểm soát không lưu đã chấp nhận đề xuất của phi công song lại bị mất liên lạc với máy bay.
Trong khi đó, báo Anh Daily Mail dẫn lời một chuyên gia hàng không phỏng đoán, một quả bom có thể đã khiến chiếc máy bay chở 189 người của Indonesia lao thẳng xuống biển ngay sau khi vừa cất cánh hơn 10 phút.
Theo chuyên gia này, một máy bay như thế thường khó có thể rơi. Không có gì trên máy bay, kể cả các động cơ máy bay khó có thể gây ra một bi kịch thảm khốc như thế. Nên khả năng có một quả bom đã nổ trên máy bay là rất cao.
Chuyên gia hàng không Úc kiêm cựu phi công của hãng Emirates, Byron Bailey thì lại tin rằng việc phi công chưa được đào tạo đầy đủ là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Trước những giả định trên, người đứng đầu Ủy ban ATGT Quốc gia Indonesia - Soerjanto Tjahjono cho hay, máy bay Boeing 737 Max 8 rất hiện đại, nó liên tục ghi và truyền dữ liệu từ máy bay để nhân viên kiểm soát không lưu nắm được. Điều quan trọng nhất lúc này là tìm được hộp đen.
Hiện, vụ rơi máy bay được coi là một bước lùi đối với những nỗ lực của chính phủ Indonesia nhằm cải thiện an toàn hàng không, sau khi quốc gia Đông Nam Á thành công kêu gọi đảo ngược một lệnh cấm các hãng hàng không của nước này, bao gồm cả Lion Air, bay tới châu Âu.