“Hội chứng rút lui” khỏi các hiệp ước quốc tế của Tổng thống Trump là cực kỳ "nguy hiểm"

Thế giới - Ngày đăng : 09:11, 24/10/2018

Việc tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trọng yếu ký từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh của Tổng thống Donald Trump đang gây bất ổn cho an ninh toàn cầu.

Ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng ông có ý định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và khẳng định rằng sự vi phạm hiệp ước của Nga và việc Trung Quốc sở hữu kho tên lửa là những lý do đằng sau quyết định này của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định với báo giới là Nga đã vi phạm hiệp ước. Còn Mỹ vẫn ở trong hiệp ước và tuân thủ hiệp ước. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc chính quyền Tổng thống Trump không muốn tham gia các thỏa thuận quốc tế và những quan điểm của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton mới là nguyên nhân thực sự đằng sau quyết định này của Tổng thống Trump.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 23/10 cho biết, Mỹ sẽ chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung vào thời điểm thích hợp.

“Hội chứng rút lui” khỏi các hiệp ước quốc tế của Tổng thống Trump là cực kỳ

“Hội chứng rút lui” khỏi các hiệp ước quốc tế của Tổng thống Trump là cực kỳ "nguy hiểm"

Phát biểu với tại một cuộc họp báo ở Nga sau khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Bolton nhấn mạnh rằng khi Washington rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ khí khác trong quá khứ, đó là một quá trình kéo dài nhiều tháng. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cũng tuyên bố, Washington vẫn chưa có quyết định gì về việc triển khai tên lửa tại châu Âu như một hệ quả của kế hoạch rút khỏi INF.

Michael Maloof, cựu quan chức Lầu Năm Góc cho rằng, Mỹ muốn rút khỏi INF vì Trung Quốc. Bởi hiện giờ Mỹ không thể phát triển các tên lửa đạn đạo tầm trung mới để đối đầu với Trung Quốc dù Trung Quốc không phải là một bên ký kết thỏa thuận đó. Ông Maloof cũng cho rằng, Washington cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF nhưng chưa đưa ra được lời lý giải xác đáng.

Trong khi đó, Paul Heroux - chính trị gia người Mỹ, đồng thời là nhà phân tích về Trung Đông cho rằng nếu có một số bằng chứng cho thấy Nga đã vi phạm hiệp ước thì Mỹ phải công khai chúng một cách rõ ràng.

Việc ký kết hiệp ước hạt nhân năm 1987 được xem như một dấu mốc quan trọng trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc Chiến tranh Lạnh, nhằm giúp loại bỏ hàng nghìn tên lửa trên mặt đất với tầm bắn xấp xỉ từ 500 - 5.500 km.

Theo các chuyên gia, Mỹ nên ngồi lại và đàm phán với Nga để xóa bỏ những bất đồng có liên quan tới thỏa thuận. Nếu thực sự nghiêm túc muốn cải thiện vấn đề, hãy ngồi lại và đối thoại.

Nhưng dường như ông Bolton không muốn thương lượng với Nga và việc rút khỏi Hiệp ước INF phù hợp với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Donald Trump. Theo đó, ông Donald Trump có thể muốn tìm cách đàm phán một thỏa thuận tốt hơn trong vòng 6 tháng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, phương pháp tiếp cận và "hội chứng rút lui" của ông Trump là cực kỳ "nguy hiểm", làm suy yếu INF cũng như các hiệp ước quốc tế khác, gây bất ổn cho an ninh toàn cầu.

Hà Kim