Nga và “bài toán viện trợ” tái thiết Syria
Thế giới - Ngày đăng : 14:59, 17/10/2018
Theo Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), Nga sẽ sử dụng Syria cho mục đích huấn luyện trong nhiều năm tới và đây là một phần trong mục tiêu của Tổng thống Vladimir Putin nhằm củng cố vị thế của một cường quốc ngày càng có sức ảnh hưởng.
Theo RUSI, lý do chính mà Nga tham gia vào cuộc nội chiến Syria là để thu thập ảnh hưởng và uy tín ở trung tâm của một trong những cuộc tranh chấp địa chính trị lớn giữa các cường quốc.
Trước tiên, Tổng thống Putin tuyên bố Nga triển khai các lực lượng bộ binh đến Syria vào năm 2015 để hậu thuẫn quân chính phủ Syria viện dẫn lý do ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bành trướng đến Nga.
Chiến lược quân sự của Nga sử dụng sức mạnh không quân và các đội đặc nhiệm nhỏ đã tỏ ra hiệu quả trong việc giúp Moscow đạt được mục tiêu mà không gây tổn hại nghiêm trọng đến sinh mạng quân nhân Nga.
Cuộc chiến ở Syria cũng giúp quân đội Nga thu nhận được nhiều kinh nghiệm quân sự quý báu, đồng thời cho phép Moscow gia tăng vị thế chính trị đáng kể trong khu vực mà không làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ với Arab Saudi và Iran.
Cuộc chiến ở Syria còn giúp Hải quân Nga có được vị trí ở khu vực phía Đông của Địa Trung Hải mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để lại sau khi Mỹ sang châu Á.
Hiện, cả Nga và Iran đang tìm cách tăng cường hậu thuẫn quân sự cho Tổng thống Bashar al-Assad định hình tương lai đất nước trong bối cảnh phe chính phủ Syria sắp giành chiến thắng.
Tái thiết lại Syria vẫn là một bài toán khó đối với Nga
Theo đó, Nga đang thúc giục Đức và Pháp phá vỡ một số cam kết với đồng minh Mỹ và giúp tái thiết Syria để người di cư có thể quay về quê hương. Tuy nhiên, Nga hiểu rằng có rất ít triển vọng trong một thỏa thuận với Mỹ, nhất là khi nước này quyết định giữ quân ở lại Syria cho đến khi Iran rút lui.
Thay vào đó, Nga đang tập trung vào nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Kế hoạch đang được tổ chức bởi chính nhu cầu của châu Âu về tương lai của chính quyền Bashar al-Assad.
Được biết, Thủ tướng Merkel cũng có động lực riêng để giúp Syria khôi phục sau cuộc nội chiến. Việc chấp nhận khoảng nửa triệu người Syria trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở châu Âu đang gây ra nhiều vấn đề, bao gồm cả gián tiếp làm cho phong trào cực hữu trỗi dậy và làm suy yếu quyền lực của nhà lãnh đạo này.
Tuy nhiên, cả chính quyền của Thủ tướng Merkel lẫn phần còn lại của châu Âu đều không muốn ngồi chung thuyền với Nga ở Syria. Đối với Nga, điều này sẽ làm cho công cuộc tái thiết trở nên khó khăn.
Sự can thiệp quân sự của Moscow đã thành công trong việc bảo vệ chính quyền Assad, nhưng chi phí tái thiết sau chiến tranh được Liên Hợp Quốc ước tính là 250 tỷ USD và các cường quốc phương Tây đang từ chối lời đề nghị từ phía Nga trong việc đổi lấy một điều kiện còn chưa thỏa đáng.
Về phần mình các nhà lãnh đạo EU và Mỹ đổ lỗi cho chính quyền Assad gây nên cái chết của hàng trăm ngàn người trong chiến tranh và sự ổn định là không thể có nếu để ông điều hành đất nước.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, Đức sẽ đóng góp tiền cho việc tái thiết Syria nếu có một giải pháp chính trị mang đến một cuộc bầu cử tự do. Còn trong lúc Tổng thống Assad vẫn nắm quyền, Đức sẽ “không mang đến một xu nào”.
Tương tự, Pháp cũng cho biết nước này sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Thổ Nhĩ Kỳ mà không đảm bảo rằng sẽ có tiến bộ hướng tới một sự chuyển đổi chính trị.
Trong khi đó, Tổng thống Assad đã chiếm lại phần lớn đất nước bị kiểm soát dưới tay khủng bố và phe đối lập với sự giúp đỡ của Nga và Iran, và ông cho thấy rất ít khả năng sẽ rời bỏ chiếc ghế quyền lực theo yêu cầu của phương Tây.
Lập trường của Nga từ trước đến nay cũng nhất quán về việc loại bỏ chính quyền Assad sẽ chỉ khiến cho Syria sụp đổ và các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva có thể đạt được một tiến trình chuyển giao quyền lực dần dần.
Đức thừa nhận Nga đã thành công trong việc khôi phục lại một trật tự nhất định ở Syria và thậm chí thừa nhận rằng toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ nếu không có chính quyền Tổng thống Assad nắm giữ quyền lực. Dẫu vậy, Berlin vẫn chưa sẵn sàng để thay đổi điều này chỉ vì sức ép đến từ Mỹ.
Giờ đây, tái thiết lại Syria vẫn là một bài toán khó đối với Nga. Các quan chức Nga lưu ý rằng Moscow sẽ không thể một mình tài trợ cho sự phục hồi của đất nước hoang tàn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Syria sẽ phải cần trên 300 tỷ USD để tái thiết đất nước.
Nga cần một đối tác khác tại Syria, một đối tác có khả năng đảm bảo nguồn vốn tái thiết Syria giai đoạn hậu chiến. Và đối tác đó cần phải sẵn sàng cung cấp tài chính thông qua Moscow.
Vì điều này, một số chi phí tái thiết hiện tại mà Nga nhắm tới có thể đến từ các nguồn “phi phương Tây”. Trung Quốc cho biết, họ đã sẵn sàng tham gia và có những dấu hiệu về sự tái hợp tác giữa chính quyền Assad và một số quốc gia Ả Rập vùng Vịnh giàu có từng ủng hộ phe đối lập ở Syria.