Mỹ đứng ngồi không yên trước thương vụ mua bán S-400 của Nga và Ấn Độ

Thế giới - Ngày đăng : 18:33, 08/10/2018

Việc Ấn Độ đẩy mạnh mua hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Triumf của Nga khiến Mỹ thấp thỏm lo âu.

Bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực quốc phòng Nga, Ấn Độ vẫn ký kết hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Có thể thấy, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hướng quốc gia của mình đi theo con đường riêng, không phụ thuộc vào Mỹ.

Theo đó, Ấn Độ đã ký thỏa thuận mua 5 tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 của Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh song phương Nga - Ấn lần thứ 19 tại Nhà khách chính phủ Hyderabad ở thủ đô New Delhi ngày 5/10. Việc chuyển giao 5 tổ hợp S-400 sẽ bắt đầu vào tháng 10/2020.

Điện Kremlin cho biết, đây là một trong những nội dung chính trong chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Ấn Độ. Thương vụ này từng được lãnh đạo hai nước nhất trí vào tháng 10/2016. Truyền thông Ấn Độ đánh giá, việc thực hiện thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD này là rất khả thi bởi hiện tại, Ấn Độ đã được miễn trừ khỏi Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) và có thể tiếp tục mua sắm thiết bị quân sự từ Nga.

Vài tiếng sau khi Ấn Độ và Nga ký kết thỏa thuận mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400, Mỹ đã đáp lại rằng họ sẽ không vội trừng phạt với Ấn Độ và không có ý định gây tổn hại đến khả năng quốc phòng của các đối tác.

Mỹ luôn nhận thức rõ rằng nước này không thể trừng phạt Ấn Độ vì thỏa thuận mua bán S-400, bởi Mỹ luôn xem Ấn Độ là một đối tác quan trọng và đáng tin cậy mà nước này không muốn đánh mất.

Điều đó được thể hiện qua việc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đề nghị Thượng viện miễn trừ Ấn Độ khỏi đạo luật CAATSA. Còn Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho biết, Ấn Độ đang tạo ra một “cơ hội chiến lược” cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.

Mỹ đứng ngồi không yên trước thương vụ mua bán S-400 của Nga và Ấn Độ

Ấn Độ và Nga ký kết thỏa thuận mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400

Trong khi đó, khi được hỏi liệu New Delhi có lo ngại về khả năng phải chịu sự trừng phạt của Mỹ vì thỏa thuận S-400 hay không, một quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ nói rằng quyết định này được đưa ra để phục vụ lợi ích của đất nước và công cuộc đàm phán về S-400 đã được thực hiện từ rất lâu trước khi CAATSA được áp dụng.

Tuy nhiên, Mỹ cũng nhiều lần đưa ra tín hiệu rằng nước này không hoan nghênh thỏa thuận mua bán S-400 do Nga và Ấn Độ ký kết năm 2016. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông Mac Thornberrytừng cho biết, Mỹ lo lắng là bởi nhận thấy không chỉ Ấn Độ mà bất cứ quốc gia nào khác mua hệ thống S-400 của Nga cũng sẽ làm phức tạp khả năng hợp tác giữa Mỹ với những nước này.

Phát biểu với hãng tin Sputnik, ông Rakesh Krishnan Simha chuyên gia phân tích vấn đề đối ngoại và quân sự New Zealand đã nêu những lý do khiến Mỹ muốn tìm mọi cách ngăn cản thỏa thuận này.

Theo ông Simha, nguyên nhân khiến Mỹ lo ngại là hệ thống S-400 của Nga có thể gây ảnh hưởng tới quốc phòng và an ninh của Pakistan cũng như thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực Nam Á. Mỹ không muốn cán cân quyền lực tại Nam Á nghiêng về phía Ấn Độ. Dù hai bên có mối thâm tình, song Mỹ vẫn coi Ấn Độ là một đối thủ kinh tế lâu dài với quan điểm khác biệt hoàn toàn về nhiều vấn đề quốc tế.

Ngoài ra, S-400 sẽ biến hệ thống phòng thủ của Ấn Độ tại khu vực biên giới với Pakistan thành hệ thống tấn công, và mở rộng hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) lên lãnh thổ Pakistan hay các vùng lân cận của Trung Quốc.

S-400 cũng sẽ làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của các loại vũ khí phòng không của Pakistan, đặc biệt máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và máy bay không người lái. Do phạm vi theo dõi lên đến 600km và phạm vi tấn công lên đến 400km, độ cao 30km, tốc độ nhanh chóng mặt 17.000km/ giờ, S-400 thực sự là vũ khí phòng không đáng gờm, nên chỉ cần 3 tiểu đoàn S-400 đồn trú ở khu vực biên giới cũng đủ nắm thông tin hầu hết các khu vực ở Pakistan, ngoại trừ phần cực tây cằn cỗi ở tỉnh Balochistan.

Xét đến tuổi thọ của hệ thống phòng không S-400, S-400 có thể được tích hợp vào trung tâm hệ thống phòng thủ tên lửa của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. Trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực chia tách Ấn Độ khỏi quan hệ đối tác quốc phòng với Nga, hệ thống S-400 là một trong những rào cản hàng đầu đối với kế hoạch này của Mỹ.

Mặt khác, Ấn Độ cũng là nước có tầm ảnh hưởng lớn. Hơn nữa, quân đội Ấn Độ cũng được biết đến là đối tác mua vũ khí cầu kỳ và khó tính vì đòi hỏi các loại vũ khí này phải trải qua nhiều năm thử nghiệm trước khi chính thức sở hữu chúng. Do vậy, nhiều quốc gia muốn theo sự chỉ dẫn của nước này khi muốn mua các loại vũ khí khủng với kinh phí lớn. 

Vì thế, người Mỹ lo ngại, một khi Ấn Độ mua S-400 của Nga thì sẽ tạo ra hiệu ứng domino đối với các quốc gia khác từng có tiền sử mua vũ khí của Mỹ. Thực tế là sau khi Ấn Độ và Nga ký kết hợp đồng mua S-400, nhiều quốc gia ủng hộ Mỹ như Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp cận với Nga để mua S-400 bằng mọi giá.

Cuối cùng, S-400 là loại vũ khí chống tàng hình cực kỳ hiệu quả và sự gia tăng của hệ thống này trên toàn thế giới sẽ làm bộ lộ các điểm yếu của máy bay tàng hình F-35 của Mỹ.

Nhà quan sát Simha nhấn mạnh rằng, không một loại máy bay tàng hình nào có thể qua mặt được S-400. Theo ông, loại máy bay chiến đấu F-35 thế hệ mới của Mỹ đã gây ra nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia hàng không cho rằng nó không mạnh mẽ, không được trang bị đầy đủ và khả năng tàng hình không được như ý muốn. Nên, S-400 có thể làm bộc lộ nhiều thiếu sót của F-35, khiến ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ phải xấu hổ khi mà trong thời gian tới, Mỹ có ý định thay thế toàn bộ máy bay chiến đấu của nước này bằng F-35.

Hà Kim