Sản xuất của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh thương mại
Thế giới - Ngày đăng : 10:26, 02/10/2018
Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất Trung Quốc sụt giảm trong tháng 9/2018 xuống mức thấp nhất trong 2 năm. Chỉ số cho thấy cuộc chiến thương mại với Mỹ đang thực sự gây ra nhiều khó khăn cho Trung Quốc, theo bài báo mới đây được Nikkei đăng tải.
Chỉ số PMI của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc sụt giảm trong tháng 9/2018 xuống mức thấp nhất trong 2 năm
Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc giảm từ mức 51,3 điểm trong tháng 8/2018 xuống còn 50,8 điểm trong tháng 9 vừa qua, thấp hơn so với ước tính trung bình 51,2 điểm theo khảo sát của Bloomberg.
Chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong báo cáo PMI, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc cũng giảm xuống còn 48 trong tháng 9, đây là tháng giảm thứ tư liên tiếp trong năm nay và là mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất đang thấp nhất tính từ tháng 9/2016 khi đó thị trường Trung Quốc gặp khó khăn khi đồng nhân dân tệ giảm giá. Việc sản xuất suy giảm cho thấy tương lai xuất khẩu u ám, theo phân tích của chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu phát triển tại Hội đồng Nhà nước Trung Quốc.
Số liệu cũng cho thấy sản lượng trong nhiều ngành như sản xuất máy móc, nội thất và kim loại giảm. Nhiều ngành đang đối diện với tình trạng suy giảm chịu tác động trực tiếp từ việc Mỹ tăng thuế với khoảng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc mà Mỹ từng áp dụng trong khoảng thời gian từ tháng 7/2018 cho đến hết tháng 9/2018.
Chỉ số Caixin/Market PMI công bố cùng ngày giảm 0,6 điểm xuống 50 điểm – mức thấp nhất tính từ tháng 5/2017. Không giống chỉ số chính thức, vốn tập trung nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước, chỉ số này chủ yếu khảo sát tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tư nhân, như vậy người ta có thể thấy rõ ràng tác động của cuộc chiến thương mại.
Các số liệu liên quan đến việc làm khiến nhiều người lo lắng. Chỉ số việc làm giảm 1,1 điểm xuống 48,3 điểm – mức thấp nhất tính từ tháng 7/2016. Xuất khẩu của Trung Quốc ngày một khó khăn hơn trong bối cảnh chính sách ngày một ngặt nghèo và tín dụng hạn chế hơn, nhiều công ty tư nhân đã phá sản.
Trong cuộc gặp gỡ với đại diện doanh nghiệp Trung Quốc tại tỉnh Chiết Giang trong ngày thứ 6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết nới lỏng các quy định quản lý, giảm thuế và phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, Trung Quốc cũng muốn đơn giản hóa thủ tục thuế giá trị gia tăng cũng như hạn chế bớt đà tăng của giá điện và giá vận tải.
Trước sự suy giảm này, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ kích thích nền kinh tế dưới hình thức cắt giảm thuế và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại. Các chuyên gia cũng kỳ vọng ngân hàng trung ương của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Chính sách hỗ trợ của chính phủ sẽ bắt đầu có tác động trong quý IV/2018, có thể bù đắp thiệt hại của cuộc chiến thương mại” – ông Gao Yuwei, một nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính Quốc tế của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết và nhận định, những nỗ lực tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy hoạt động xây dựng và các ngành dịch vụ hoạt động tốt hơn trong quý thứ ba và thứ tư.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, sẽ phải mất một khoảng thời gian nữa thì các biện pháp kích thích nói trên mới có tác động tích cực cho nền kinh tế đang dần giảm tốc của Trung Quốc. Thậm chí, một số chuyên gia dự đoán mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn trước khi có thể khởi sắc.
Đến thời điểm này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã áp đặt thuế quan đối với tổng số 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đã đáp trả bằng gói thuế trị giá 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.