Mỹ bị Palestine kiện ra Tòa án Công lý Quốc tế

Thế giới - Ngày đăng : 23:15, 29/09/2018

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) thông báo đã nhận được khiếu nại từ Nhà nước Palestine phản đối việc Washington đặt Đại sứ quán Mỹ tại Israel ở Jerusalem.

Theo thông cáo báo chí số 2018/47 về việc Nhà nước Palestine tiến hành các thủ tục kiện Mỹ được đăng tải trên website chính thức của ICJ, luận cứ mà Tel Aviv đưa ra là việc Washington đặt Đại sứ quán Mỹ tại Israel ở Jerus đã vi phạm một hiệp định quốc tế, và do đó “phải dời đi”.

Mỹ bị Palestine kiện ra Tòa án Công lý Quốc tế

Một trang trong thông cáo báo chí của ICJ thông báo về việc Nhà nước Palestine kiện Mỹ

Cụ thể theo ICJ, Palestine nói rằng Công ước Vienna 1961 về Quan hệ ngoại giao yêu cầu các nước đặt đại sứ quán trên lãnh thổ của nước chủ nhà. Trong khi đó, dù Israel kiểm soát Jerusalem về mặt quân sự, song quyền sở hữu khu vực này vẫn là một vấn đề tranh cãi.

Tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, và sứ quán mới mở cửa hồi tháng 5 năm nay.

Phía Palestine yêu cầu ICJ ra lệnh cho Washington phải rút toàn bộ phái bộ ngoại giao ra khỏi Thánh địa Jerusalem.

Tòa án Công lý Quốc (ICJ) là một phân ban trực thuộc Liên hiệp quốc (LHQ), được thành lập vào năm 1945 với tiền thân là Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế  có từ năm 1922.

ICJ bắt đầu chính thức nhận hồ sơ, thụ lý và giải quyết tranh chấp các vấn đề giữa các quốc gia thành viên có liên quan, cũng như làm công tác cố vấn pháp luật cho Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như các ủy ban khác trực thuộc LHQ như đã ghi rõ trong Hiến chương LHQ từ 1946.

Những vụ việc được đưa ra ICJ được giải quyết theo luật quốc tế. Các phán quyết của ICJ tế chỉ mang ý nghĩa chính trị hơn là có hiệu lực thi hành, và mọi việc đều tùy thuộc vào thiện chí của các nước.

Tuy vậy, mặc dù chỉ mang tính chất tham khảo và không có tính ràng buộc, những ý kiến tư vấn của ICJ có uy tín cũng như giá trị pháp lý rất lớn. Chúng góp phần phát triển luật pháp quốc tế và thúc đẩy quan hệ hòa bình giữa các quốc gia.

Bạch Dương