Trung Quốc vẫn “bình chân như vại” trước đòn áp thuế mới của ông Trump

Thế giới - Ngày đăng : 08:46, 18/09/2018

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ đánh thuế 10% lên 200 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc và có thể tăng hơn 2 lần vào năm 2019, leo thang cuộc chiến thương mại dài hơi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong một thông báo hôm 17/9 ông Trump cho biết, nếu Trung Quốc có hành động đáp trả nông dân và ngành công nghiệp Mỹ, Washington sẽ ngay lập tức áp thuế lên khoảng 267 tỉ USD hàng nhập khẩu của Bắc Kinh nữa.

Theo hai quan chức cấp cao, chính quyền đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ điều chỉnh và tìm kiếm chuỗi cung ứng thay thế bằng cách trì hoãn việc tăng thuế 25% đến ngày 1/1/2019 lên số hàng hóa trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc. Trong khi đó, mức thuế 10% sẽ có hiệu lực vào ngày 24/9.

Ông Trump rằng, Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc thay đổi những vấn đề bất công và đối xử công bằng cũng như tương xứng với các công ty Mỹ. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc đã không sẵn sàng thay đổi điều đó.

Phòng Thương mại Mỹ, các nhà bán lẻ, tổ chức nông nghiệp và một số thành viên của đảng Cộng hòa đã lên tiếng chống lại chiến dịch thuế quan của ông Trump. Động thái này cũng chia rẽ các cố vấn của ông Trump giữa những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc như đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Quyết định của chính quyền ông Trump cũng dẫn đến những nghi ngờ về khả năng đạt được đột phá ngoại giao trong cuộc xung đột thương mại giữa hai nước.

Trung Quốc vẫn “bình chân như vại” trước đòn áp thuế mới của ông Trump

Trung Quốc vẫn “bình chân như vại” trước đòn áp thuế mới của ông Trump

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn có nhiều động thái "nhún nhường" trên mặt trận tuyên truyền, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp tung các đòn áp thuế với hàng chục tỷ USD hàng hóa của nước này, châm ngòi cho cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng các lãnh đạo ở Bắc Kinh sẽ phải sớm nhượng bộ và chấp nhận thất bại trong cuộc chiến khốc liệt này với Washington. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài sang tháng thứ ba mà chưa có bất cứ động thái nhượng bộ nào từ các bên, thay vào đó là các đòn áp thuế kiểu "ăn miếng trả miếng" liên tiếp được tung ra.

Trong khi ông Trump thúc giục Apple xây nhà máy ở Mỹ để tránh bị áp thuế, Chủ tịch Tập Cận Bình lại tới Nga dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông và vui vẻ rán bánh cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bình luận viên Michael Schuman cho rằng, để hiểu được thái độ "bình chân như vại" của ông Tập trước đòn áp thuế của ông Trump, cần phải nhìn vào một trường hợp điển hình là tập đoàn sản xuất thiết bị thí nghiệm Biobase của Trung Quốc.

Trước đây, các sản phẩm của Biobase gặp rất nhiều khó khăn ngay trên sân nhà, khi thị trường này ở Trung Quốc bị thống trị bởi các nhãn hiệu nước ngoài. Nhưng khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, cơ hội lập tức đến với Biobase, khi khách hàng phải tìm đến các sản phẩm nội địa do giá cả hàng nhập khẩu tăng cao vì hàng rào thuế quan.

Schuman cho rằng chính sách thương mại của Trump đang tồn tại một số quan niệm sai lầm, trong đó nguy hiểm nhất là niềm tin rằng Trung Quốc sẽ làm mọi điều có thể để duy trì quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với Mỹ. Trên thực tế, Bắc Kinh lại đang đặt ra mục tiêu quốc gia trái ngược, đó là tăng cường tính độc lập về kinh tế với Washington.

Đây là lý do Trung Quốc tin rằng, cuộc chiến thương mại với Mỹ là "cơ hội trời cho" để phát triển thị trường nội địa, hạn chế lệ thuộc hàng nhập khẩu. Đòn áp thuế của Trump cũng có thể là cái cớ để Bắc Kinh trì hoãn các cải cách thị trường tự do, tăng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước và gây khó dễ cho công ty nước ngoài.

Vì thế, Trung Quốc sẽ không đàm phán khi bị “chĩa súng vào đầu”. Chủ tịch Tập cũng chỉ chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Mỹ không đe dọa đến chương trình kinh tế lớn của Bắc Kinh. Trung Quốc thậm chí có thể sẵn sàng đi đường riêng và chơi theo luật của mình, không có ông Trump, cũng không có Mỹ.

Hà Kim (Theo Reuters)