Tập trận khủng, “đòn đánh” nhiều đích của Tổng thống Putin
Thế giới - Ngày đăng : 09:42, 17/09/2018
Theo đó, cuộc tập trận “Phương Đông 2018” lần này được tổ chức ở vùng Viễn Đông. Chỉ riêng cái tên của nó “Vostok-2018” (Phương Đông) đã nói lên nhiều điều. Cho đến hiện tại, Vostok-2018 không hổ danh là cuộc tập trận lớn nhất của Liên bang Nga từ thời Liên Xô sụp đổ.
Với 300 nghìn người, 36 nghìn xe cộ quân sự và 1.000 máy bay. Ngoài lực lượng chính là các lực lượng vũ trang Nga, cuộc tập trận còn có sự tham gia của 3.600 lính Trung Quốc kèm theo 24 máy bay trực thăng quân sự và 6 phản lực chiến đấu và một số đơn vị Mông Cổ.
Gần 40 năm trước, năm 1981, Zapad-81 (Phương Tây), cuộc tập trận lớn nhất được Xô-viết tổ chức với 150.000 người và hàng chục nghìn khí tài tham gia. Cuộc tập trận này diễn ra vào thời điểm quan hệ Đông – Tây căng thẳng nhất của chiến tranh lạnh.
Ở thời của chiến tranh lạnh, một cuộc tập trận được coi là một đòn đánh, chứ không chỉ là tuyên ngôn hay cảnh báo. Nó không chỉ phô diễn tầm vóc khổng lồ của một bộ máy quân sự, mà còn là sự trình diễn mang tính răn đe thông qua các hoạt động thực địa của tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân, vốn được coi là thanh kiếm thường trực sẵn sàng đâm thẳng vào “trái tim Phương Tây” ở Châu Âu.
Tuy nhiên, thời nay là thời của những xung đột quân sự hạn chế mang tính cục bộ. Cuộc chiến tranh lạnh đã diễn ra không chỉ trên lĩnh vực chạy đua về vũ khí mà còn thể hiện qua các đòn trừng phạt kinh tế, khai mào các cuộc chiến thương mại và những đòn tình báo tác động lên chính trường đối thủ.
Tập trận khủng, “đòn đánh” nhiều đích của Tổng thống Putin
Từ đó, giới chuyên gia mới nhận định, cuộc tập trận “Phương Đông 2018” cho thấy, dù xung đột có xảy ra như thế nào và giữa những ai trong khu vực, thì cần nhìn nhận Nga sẽ là một lực lượng chính để giữ cân bằng và ổn định trong khu vực.
Có thể thấy, “đòn đánh” lần này của Tổng thống Putin sẽ hướng tới những đối thủ được xác định, chính là Hoa Kỳ và các đồng minh được tính là Phương Tây, như một số quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Đông Bắc Á.
Kể từ sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014, quan hệ Nga - Phương Tây được “bồi đắp” bằng những đòn trừng phạt không chỉ khiến quan hệ hai phía ảnh hưởng nghiêm trọng, mà còn làm thiệt hại kinh tế của cả hai bên, trong đó Nga bị thiệt hại nhiều hơn cả.
Trong tình thế đó, Nga buộc phải tìm cho mình những hướng mới và những đối tác chiến lược mới. Một trong số đó là Trung Quốc, một đối tác mới mà cũng không mới.
Sự ấm lên trong quan hệ kinh tế hai nước, kéo theo những làn sóng đầu tư - nhập cư của người Trung Quốc sang Nga, gây nên những lo ngại về an ninh kinh tế, quốc phòng với đất nước, đặc biệt là với vùng Viễn Đông dễ tổn thương.
Được biết, vùng Viễn Đông của Nga đất rộng, người thưa, cực kỳ giàu có về tài nguyên muôn đời là miếng mồi thèm muốn của người Trung Quốc. Mặt khác chắc chắn những vấn đề về biên giới và lãnh thổ giữa hai nước tồn tại từ những năm 1960, đến nay chưa thể đi hẳn vào dĩ vãng.
Vì thế, “Phương Đông 2018” còn là câu trả lời cho nghi vấn khả năng bảo vệ vùng phía đông đất nước trước làn sóng “xâm lược mềm” đang diễn ra. “Phương Đông 2018” của ông Putin dường như là câu nhắc nhở rằng, đầu tư vào Viễn Đông được chào đón, nhưng Nga đủ sức mạnh để đòi lại tất cả bất cứ lúc nào. Hợp tác với Nga là tốt, nhưng cũng phải biết điều.
Ngoài “đòn đánh” trên hướng chính Viễn Đông, vừa mới đây Nga còn tiến hành một cuộc tập trận khác ở Đông Địa Trung Hải, trên chính chiến trường thực tế Syria. Cuộc tập trận này có lực lượng tham gia của 25 tàu chiến và khoảng 30 chiến đấu cơ. Cả hai cuộc tập trận diễn ra sau cuộc tập trận của NATO với sự tham gia của 2.200 lính Ukraine, Hoa Kỳ và vài nước NATO khác.
“Phương Đông 2018” sẽ là câu trả lời cho những nghi ngờ lâu nay về tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga, khả năng triển khai một lực lượng lớn từ trung tâm đất nước đến những chiến trường xa, trong bối cảnh nước này vẫn chưa duy trì được lực lượng thường trực ở các căn cứ hải ngoại với số lượng xứng tầm cường quốc quân sự.