Đối đầu với "bộ tam" Nga - Thổ - Iran, Mỹ đang tự tạo ra liên minh thù địch mới

Thế giới - Ngày đăng : 17:08, 20/08/2018

Với việc thẳng tay áp đặt trừng phạt nhằm vào đối thủ và cả đồng minh, Tổng thống Donald Trump đang tạo ra “liên minh thù địch” mới chống lại Mỹ.

Trong vài tuần qua, Mỹ đã áp đặt một loạt hành động trừng phạt nhằm vào Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, ba thành viên trong Cơ chế Sochi đang nỗ lực liên kết với các quốc gia khác chống lại cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhằm mục đích làm dịu bớt những tác động tiêu cực từ động thái của chính quyền Donald Trump.

Vẫn chưa rõ sách lược về kinh tế và chính trị của chính quyền Tổng thống Donald Trump đạt được hiệu quả đến đâu khi có quá nhiều lệnh trừng phạt được ban hành mà không có sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, nhưng có một thực tế hiển nhiên là các nước nằm trong “danh sách đen” của Mỹ đang có nhiều hành động để bảo vệ lợi ích của chính họ, trong đó có việc hình thành một liên minh mới nổi chống lại chính sách cường quyền của Mỹ.

Với Iran, Mỹ tiếp tục các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào nước này sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân từ năm 2015. Lệnh trừng phạt của Mỹ chính thức tái áp trở lại đối với Iran từ ngày 7/8, không cho phép Iran mua USD, đồng thời chặn các hoạt động giao thương về kim loại, than, phần mềm công nghiệp và ôtô của nước này với các quốc gia khác.

Một đợt trừng phạt nữa, sẽ được tiến hành vào ngày 5/11, nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận chuyển và đóng tàu của Iran, các giao dịch liên quan đến dầu mỏ và các giao dịch kinh doanh của các tổ chức tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran. Mục tiêu của Mỹ là “bóp nghẹt” nền kinh tế Iran, gây sức ép buộc Iran thay đổi chính sách đối ngoại và từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.

Tiếp đến hôm 8/8, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ triển khai các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tại Salisbury, Anh. Các lệnh trừng phạt mới sẽ có hiệu lực từ ngày 22/8 và đánh vào hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử nhạy cảm cũng như các công nghệ khác của Nga.

Không chỉ các nước đối đầu, mà ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh thân cận của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng không tránh khỏi “đòn đau”. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến những tranh cãi giữa Washington và Ankara về vụ bắt giữ linh mục người Mỹ Brunson.

Ngay sau các động thái của chính quyền Mỹ, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá hơn 20% còn đồng rúp của Nga mất giá hơn 6% so với đồng USD.

Đối đầu với

Mỹ đang đối đầu với "bộ tam" Nga - Thổ - Iran

Các nhà phân tích nhận định, các hành động của Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của cả ba nước nói trên. Tuy nhiên, mục tiêu chính trong hành động của Mỹ là tạo nên tâm lý oán giận trong nội bộ Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giới phân tích, mục tiêu chính trong việc áp dụng đòn bẩy này là khiến cho người dân ở ba quốc gia cảm thấy tức giận và gây áp lực lên chính phủ của họ, buộc giới lãnh đạo các nước phải thay đổi chính sách.

Tuy nhiên, trước chiến dịch áp lực của Mỹ, phản ứng của ba quốc gia nói trên ngày càng trở nên gắn kết. Sau bài phát biểu của ông Trump, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tiếp tục nâng cao hợp tác các vấn đề song phương và khu vực, trong đó tăng cường hơn nữa hợp tác về quốc phòng và năng lượng.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tới thăm Ankara vào đầu tuần tới để gặp đối tác Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và thảo luận về quan hệ kinh tế và thương mại hai nước, đặc biệt là trong thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu và đường ống dẫn khí Turkish Stream.

Ngoài ra, đã có thêm những dấu hiệu tăng cường phối hợp giữa Iran và Nga. Ngay sau khi Mỹ tuyên bố các lệnh trừng phạt đối với Iran, Nga cho biết sẽ bảo vệ quan hệ kinh tế và thương mại với Iran ở cấp quốc gia, đồng thời tìm kiếm các khía cạnh hợp tác kinh tế mới với Tehran.

Cuối tuần trước, Nga, Iran, cùng với Kazakhstan, Turkmenistan và Azerbaijan cũng đã ký một thỏa thuận tăng cường hoạt động hợp tác chung trên biển Caspian. Theo đó, năm quốc gia cam kết sẽ tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế khu vực, đồng thời cấm các quốc gia phi duyên hải triển khai lực lượng quân sự trên vùng biển này, ngăn cản các nước bên ngoài can thiệp vào các vấn đề khu vực.

Mối quan hệ giữa Ankara và Tehran cũng dần ấm lên trong vài ngày qua. Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang ưu tiên cho nhiều lĩnh vực tiềm năng để hai nước cùng nhau hợp tác vì lợi ích kinh tế. Để ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã không ngại ngần chỉ trích hành động gây hấn của Mỹ là điều “đáng xấu hổ”.

Darrell West, chuyên gia cao cấp từ Viện Brookings nhận định, khi cả Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành chủ đề trừng phạt của Mỹ, họ đã đoàn kết để ngăn chặn tác động tiêu cực đến từ các biện pháp trừng phạt và giúp đỡ nhau vượt qua khủng hoảng.

Liên minh này có thể xoay chuyển cán cân quyền lực ở Trung Đông bằng cách điều chỉnh lại các chính sách của mình. Như việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể trả đũa Mỹ bằng cách gây khó dễ đối với các căn cứ quân sự của nước này tại đất nước họ.

Giám đốc Viện Nghiên cứu khủng hoảng Oxford Mark Almond cũng cho biết, Tổng thống Mỹ đang tạo ra “một trục kẻ thù”, bằng việc đẩy các quốc gia cùng bị Mỹ trừng phạt trở thành Liên minh chống Mỹ.

Ông Mark Almond nhấn mạnh, về mặt cá nhân, các nước Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, rất dễ bị tổn thương trước chiến dịch gây sức ép của Mỹ. Nhưng nếu các nước này hợp lực cùng nhau thì có thể khiến các biện pháp trừng phạt của Mỹ phản tác dụng.

Theo nhà phân tích này, nếu chỉ là sự kết hợp của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thì đây không phải là mối lo với Mỹ nhưng với sức mạnh của cả Nga cộng lại, một khu vực địa chính trị mới có thể hình thành.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng tin rằng bộ ba Moscow-Ankara-Tehran đang thể hiện sự ngẫu hứng hơn là có kế hoạch tính toán rõ ràng. Hơn nữa, sự phân hóa của ba nước về các vấn đề khu vực như Syria cũng hạn chế đi những hiệu quả mà họ mong muốn đạt được.

Hà Kim (Theo RT)