Xét xử Hứa Thị Phấn và đồng phạm: VKSND không chấp nhận “chứng cứ” của luật sư cung cấp
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 14:18, 21/05/2018
Các bị cáo tại phiên toà xét xử Hứa Thị Phấn và đồng phạm diễn ra sáng ngày 21/5
Như Báo Công lý đã đưa tin, trong phiên xử chiều ngày 16/5/2018, luật sư Trương Minh Thơ đã công bố 1 tài liệu, đó là 01 USB màu trắng được luật sư cho là chứng cứ quan trọng của vụ án.
Theo luật sư Thơ, đây là đoạn ghi âm lại cuộc trò chuyện giữa bị cáo Hứa Thị Phấn với các ông Nguyễn Hữu Luận – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phương Trang và Phạm Đăng Quan.
Tại phiên xử, luật sư Thơ đồng thời cung cấp cho HĐXX “chứng cứ” văn bản chép tay trích ra từ đoạn ghi âm dài 48 trang cùng 18 tấm ảnh nhỏ, 1 tấm ảnh lớn để HĐXX xem xét.
Trong phiên xử sáng 21/5/2018, chủ tọa Phạm Lương Toản công bố văn bản trả trả lời của VKSND TP.HCM được sự phân công của VKSNDTC đã trả lời HĐXX về tài liệu này. Theo đó, VKSND TPHCM đã không chấp nhận tài liệu này.
Văn bản trả lời của VKSND TP.HCM được chủ tọa Phạm Lương Toản công bố ngay tại phiên tòa cho biết 3 lý do để không chấp nhận tài liệu này, đó là:
Thứ nhất, về mặt pháp lý của các tài liệu trên, trong phiên xử chiều 16/5/2018 luật sư Trương Thị Minh Thơ xác định đã nhận 01 thùng tài liệu từ bị cáo Hứa Thị Phấn, sau đó mới phát hiện trong thùng có USB trên. Như vậy chưa đủ cơ sở xác định có hay không việc luật sư có nhận từ Hứa Thị Phấn vì chỉ có lời trình bày của luật sư Thơ.
Thứ 2, cũng trong phần trả lời HĐXX, luật sư Thơ xác định ngày 9/9/2017 được Hứa Thị Phấn mời làm luật sư bào chữa và sau đó được Hứa Thị Phấn cung cấp thùng tài liệu. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, kể từ ngày 22/3/2017 là ngày cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can Hứa Thị Phấn, CQCSĐT đã nhiều lần đến làm việc với Hứa Thị Phấn, nhưng đều không làm việc được vì Hứa Thị Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, hỏi không trả lời được. Như vậy, việc luật sư Thơ trình bày là đã trao đổi với Hứa Thị Phấn về USB được cho là đoạn ghi âm được luật sư trình bày là không có căn cứ.
Thứ 3, việc cung cấp các đồ vật của luật sư Thơ tại phiên tòa đều không có yêu cầu của bị cáo Hứa Thị Phấn, mặc dù qui định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 2015 có qui định về việc cung cấp đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án. Nói cách khác việc cung cấp đồ vật, tài liệu có liên quan đến Hứa Thị Phấn phải có yêu cầu của bị cáo Hứa Thị Phấn để đảm bảo quyền lợi bị cáo. Vì luật sư Thơ không phải là đại diện toàn bộ ý chí của bị cáo tại phiên tòa, do đó ko có căn cứ để xem xét, giải quyết đồ vật tài liệu trên trong vụ án này.
Do bị cáo Hứa Thị Phấn không có khả năng tiếp xúc, nên theo VKSND TP.HCM, việc tổ chức cho những người liên quan nghe đoạn ghi âm trên là không hợp lý do không đủ các bên liên quan.
Đối với văn bản 48 trang mà luật sư Thơ nghe từ băng ghi âm trong USB và tự chép ra, tự xác định tên của các bên liên quan được luật sư Thơ ký tên lên từng trang , cũng như 19 tấm ảnh nộp cho HĐXX, VKSND TPHCM cho rằng, theo qui định của pháp luật, luật sư Thơ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nguồn tin nếu tài liệu này ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về phiên xét xử của vụ án.