Mỹ, Canada nắng nóng kỷ lục làm ít nhất 20 người tử vong
Thế giới - Ngày đăng : 09:57, 05/07/2018
Theo Reuters, các quan chức y tế Montreal đã xác nhận đợt nắng nóng kỷ lục đã khiến ít nhất 6 người Mỹ và 15 người ở thành phố Montreal (Canada) tử vong. Những người tử vong đều gặp phải vấn đề về sức khỏe như tim mạch, huyết áp và một số các bệnh lây nhiễm.
Giới chức trách Mỹ cảnh báo đây sẽ là cơn nóng khủng khiếp và ảnh hưởng đến nhiều khu vực. Người đứng đầu cơ quan y tế công cộng Montreal Mylene Drouin cho biết các tổ chức y tế ở cả Mỹ và Canada đang hạn chế và tìm cách tư vấn sức khỏe cho người dân để tránh thảm kịch trong đợt nắng nóng năm 2010, khiến 106 người tử vong sẽ lại diễn ra.
Những nơi có nước là địa điểm lý tưởng để trẻ em Mỹ vui đùa trong thời tiết nắng nóng. (Ảnh: Getty)
Nắng nóng đã khiến nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe và họ liên tục phải sử dụng cuộc gọi tới đường dây nóng về dịch vụ cấp cứu cũng như đường dây tư vấn sức khỏe của chính phủ. Quan chức y tế Montreal đã nâng mức phản ứng với nắng nóng từ “cảnh báo” lên “can thiệp”.
Nhiệt độ tại các khu vực của Mỹ dao động từ 32 tới 39 độ C và chưa có dấu hiệu giảm xuống. Các cơ quan chức năng nước này đã phải đưa ra khuyến cáo với ít nhất 103 triệu người, khuyên họ nên ở trong nhà nhằm đối phó với tình trạng thời tiết khắc nghiệt. Nhất là trong khoảng thời gian có ánh nắng mặt trời mạnh nhất từ 9h đến 16h mỗi ngày.
Theo thống kê của cơ quan thời tiết New York, hiện tượng nhiệt độ New York vượt trên 32 độ C trong 7 ngày liên tiếp chỉ xảy ra mỗi 33 năm 1 lần. Vậy nhưng trong những năm gần đây, hiện tượng thời tiết nắng nóng gay gắt trong mùa hè là không còn hiếm gặp. Cơ quan dự báo thời tiết ở đây cũng cho biết: sau ngày 4/7, nắng nóng sẽ di chuyển xuống phía tây nước Mỹ và đã đưa ra cảnh báo với người dân có những biện pháp chủ động để đối phó với thời tiết khắc nghiệt.
Tính tới thời điểm hiện tại, các đám cháy đã tàn phá khoảng 4.200 m2 diện tích rừng. (Ảnh: AP)
Nhiệt độ cao cũng khiến nạn cháy rừng bùng phát. Khoảng 100 căn nhà ở khu miền núi Colorado đã bị thiêu hủy, trong khi ngọn lửa tiếp tục có xu hướng lan rộng khiến các cư dân phía tây nước Mỹ phải luôn sẵn sàng chuẩn bị di cư. Tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 60 đám cháy lớn tại khu vực phía tây Mỹ, bao gồm 9 đám cháy ở New Mexico, 6 đám cháy ở mỗi bang Utah và California. Chúng đã tàn phá khoảng 4.200 m2 diện tích rừng.
Giới chức trách Mỹ cho biết một số bang tại quốc gia này đã phải hủy bỏ hoạt động bắn pháo hoa mừng ngày 4/7, do lo ngại tàn lửa kết hợp với thời tiết nóng, khô có thể gây bùng phát hỏa hoạn.