Mỹ tiếp tục đi theo chính sách đơn phương với các vấn đề toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 09:47, 22/06/2018
Phát biểu sau khi nhận được thông báo về việc Mỹ quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Vojislav Suc cho biết, quyết định của Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền là quyền của các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, ông Vojislav Suc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì một Hội đồng Nhân quyền mạnh mẽ và năng động, giữ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong thế kỷ XXI, trong bối cảnh hiện nay các giá trị, sức mạnh của chủ nghĩa đa phương và quyền con người luôn là những vấn đề được đề cập hằng ngày.
Vì thế, Hội đồng Nhân quyền luôn cần những cam kết xây dựng của các quốc gia thành viên. Hội đồng bao gồm 47 quốc gia, áp dụng cơ chế luân phiên và dựa trên phân bố địa lý công bằng được đại diện bởi 5 nhóm khu vực.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley khi thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền, đã đưa ra lý do rằng Hội đồng có quan điểm thành kiến chống lại Israel.
Theo bà Haley, Israel hiện là quốc gia duy nhất chiếm riêng một đề mục trong chương trình nghị sự của Hội đồng, theo đó cách hành xử của Israel tại những vùng đất Palestine bị chiếm đóng là chủ đề được thảo luận tại các phiên họp hàng năm của tổ chức.
Ngoài ra, bà Haley cũng cho biết thêm lí do rằng, trên thực tế là không một quốc gia nào có can đảm ủng hộ các cuộc đấu tranh do Mỹ khởi xướng nhằm cải cách tổ chức này.
Bà Haley khẳng định, có thể thấy rõ rằng lời kêu gọi cải cách của Mỹ đã không được đáp ứng. Các cải cách này là cần thiết để giúp hội đồng thực sự đấu tranh vì nhân quyền và xóa bỏ thành kiến chính trị. Được biết, vấn đề cải cách Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từng được Mỹ đề cập từ giữa năm 2017.
Quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền của Mỹ đã nhận được các phản ứng khác nhau trên thế giới
Thực chất, Mỹ cũng như các nước phương Tây vốn quen lấy nhân quyền làm công cụ chính trị để gây sức ép với các nước đang phát triển và đây được xem là nguyên nhân khiến Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc trở thành nơi đối đầu giữa các hệ thống chính trị.
Hiện, quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền của Mỹ đã nhận được các phản ứng khác nhau trên thế giới. Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Stephane Dujarric cho biết, Tổng thư ký Liên hợp quốc rất muốn Mỹ tiếp tục ở lại trong Hội đồng Nhân quyền. Kết cấu của cơ quan này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới.
Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federico Mogherini cho rằng, quyết định của Mỹ từ bỏ Hội đồng là nguy hiểm vì nó sẽ làm suy yếu vị thế của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Giám đốc Chương trình Nhân quyền của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ Jamil Dakwar nhận định rằng, chính sách sai lầm theo chủ nghĩa cô lập của Tổng thống Trump chỉ làm tổn hại đến các lợi ích của Mỹ.
Trong khi đó, phái bộ của Nga tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, quyết định của Mỹ phản ánh cách tiếp cận đơn phương của Washington đối với các vấn đề toàn cầu. Mỹ đã âm mưu nhưng thất bại trong việc biến Hội đồng này thành “một công cụ dễ bảo” nhằm thúc đẩy các lợi ích của nước này và trừng phạt các quốc gia mà Mỹ không thích.
Trong một tuyên bố, phái bộ của Nga tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, việc Mỹ chỉ trích Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc không có sự thay đổi như đề xuất của Washington dường như là động thái “bất cần đạo lý." Phái bộ của Nga mô tả Hội đồng này là một nền tảng quốc tế chủ chốt cho việc hợp tác bảo vệ nhân quyền.