Nga dọa phản kích “đòn giáng” trước kế hoạch quân sự mới của NATO
Thế giới - Ngày đăng : 08:29, 16/06/2018
Hãng thông tấn Interfax ngày 15/6 đưa tin, Nga tuyên bố kế hoạch quân sự mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm thiết lập một lực lượng sẵn sàng chiến đấu ở châu Âu sẽ khiến an ninh trên lục địa ngày càng xấu đi và Moscow sẽ cân nhắc nó trong các kế hoạch quân sự của mình.
Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko chỉ trích sáng kiến của NATO, đồng thời cảnh báo, Moscow sẽ thực hiện tất cả các biện pháp quân sự cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia và lãnh thổ Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko
Tuần trước, các quan chức phương Tây cho biết, Mỹ đang thúc ép các đồng minh của mình tại châu Âu thông qua sáng kiến “bốn ba mươi”. Theo đó, 30 tiểu đoàn, 30 đội bay và 30 tàu chiến có thể triển khai trong vòng 30 ngày kể từ khi có lệnh điều động.
Tổng thư ký NATO Jesn Stoltenberg cho biết trong một cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) rằng, kế hoạch sẽ giúp tăng cường khả năng sẵn sàng cho các lực lượng hiện tại.
Đây được coi là một động thái mới nhất nhằm đưa NATO trở thành một liên minh quân sự hiệu quả hơn, và có thể kịp thời đối phó với các nguy cơ nói chung, cụ thể là bất kỳ hành động tấn công nào từ Nga, trong thời gian cảnh báo ngắn.
Trước đó, ngày 6/6, NATO cũng đã tuyên bố vị trí của hai bộ tư lệnh mới, được thiết kế để đảm bảo sự di chuyển các các lực lượng vượt Đại Tây Dương trong trường hợp có khủng hoảng xảy ra ở châu Âu.
Theo ông Stoltenberg, các thành viên đã thống nhất thiết lập một “Bộ Tư lệnh các lực lượng chung cho Đại Tây Dương” tại Norfolk (Mỹ) và “Bộ Tư lệnh trao quyền” tại Ulm (Đức). Quyết định này sẽ tăng thêm 1.200 người cho nguồn nhân lực thuộc các bộ tư lệnh của NATO.
Ông Stoltenberg cho biết thêm rằng, thành lập các bộ tư lệnh mới là một trong những biện pháp của NATO, để đối phó với một nước Nga đang ngày càng gia tăng vị thế lẫn sức mạnh quân sự. Động thái này diễn ra sau nhiều năm thu hẹp quy mô của tổ chức tư lệnh của NATO, vốn có đến 22.000 người vào thời điểm cuối Chiến tranh lạnh. Hiện, cơ cấu tư lệnh của NATO vào khoảng 7.000 người.