Iran bắt đầu tăng cường khả năng hạt nhân
Thế giới - Ngày đăng : 20:35, 05/06/2018
Reuters ngày 5/6 đưa tin, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi cho biết nước này đã bắt đầu triển khai việc lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến tại cơ sở hạt nhân Natanz.
Theo ông Salehi, các hoạt động hạt nhân của Iran sẽ vẫn nằm trong khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, giữa Iran và các cường quốc thế giới, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Ông Salehi cho biết thêm, Iran đã phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động sản xuất điện tại Natanz.
Iran cũng đã thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về việc sẽ tăng công suất làm giàu urani trong những giới hạn mà JCPOA đặt ra. Theo đó, tiến trình gia tăng năng lực sản xuất urani hexafluoride - nguyên liệu để cung cấp cho các máy ly tâm, sẽ được khởi động vào ngày 5/6.
Đại giáo chủ Ali Khamenei
Trước đó, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei thông báo đã ra lệnh thực hiện các bước chuẩn bị để gia tăng công suất làm giàu urani nếu thỏa thuận hạt nhân ký kết với các cường quốc sụp đổ sau khi Mỹ rút đi. Ông cũng khẳng định sẽ không chấp nhận giới hạn chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 4/6, Đại Giáo chủ Ali Khamenei khẳng định, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã ký giữa Iran và các cường quốc năm 2015, hiện không ai có thể ngăn chặn được nước này phát triển khả năng hạt nhân của riêng mình.
Động thái đầy bất ngờ của Iran lần này được cho là đang làm khó các bên còn lại tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân, đặc biệt là Liên minh châu Âu vốn đang loay hoay tìm cách cứu vãn thỏa thuận lịch sử này. Hơn nữa, bước đi mới nhất này còn khiến cho việc gỡ rối vấn đề hạt nhân Iran càng trở nên khó khăn hơn.
Theo giới quan sát, nếu Iran thực sự hành động như vừa tuyên bố, có thể nước này sẽ vi phạm tới chính những cam kết của mình đưa ra trong thỏa thuận hạt nhân. Khi đó, một điều chắc chắn là Iran sẽ không còn nhận được sự ủng hộ hiện tại của các bên vốn đang thể hiện rõ thành ý muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.