Tổng thống Hàn Quốc đối mặt bài toán giữ lửa với Triều Tiên
Thế giới - Ngày đăng : 16:48, 05/03/2018
Theo đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nỗ lực rất nhiều để làm tròn trọng trách của một người hòa giải tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018, đưa đoàn vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên cùng diễu hành trong lễ khai mạc Olympic, cố gắng không mệt mỏi thúc giục các quan chức đến từ Bình Nhưỡng và Washington đối thoại.
Giới phân tích nhận định, khi Olympic kết thúc, Tổng thống Moon chắc chắn sẽ phải đối diện hàng loạt khó khăn nhằm giữ lửa cho mối quan hệ mới chớm nồng ấm với Triều Tiên.
Khó khăn càng bủa vây khi Tổng thống Moon cố gắng hiện thực hóa hai mục tiêu quan trọng đó là, xây dựng mối quan hệ với Triều Tiên hậu Olympic, đồng thời ngăn chặn nguy cơ rạn nứt liên minh với Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc đã có thể nhìn thấy cơ hội hóa giải căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên từ đề nghị bất ngờ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Bình Nhưỡng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tổng thống Hàn Quốc đối mặt bài toán giữ lửa với Triều Tiên
Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đề nghị Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Bình Nhưỡng vào thời gian sớm nhất có thể để dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3.
Lời mời trên được bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un và là thành viên phái đoàn cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, chuyển tới Tổng thống Moon Jae-in khi bà gặp Tổng thống Hàn Quốc ở Nhà Xanh.
Nhưng để thực hiện được chương trình nghị sự này, ông Moon phải vượt qua thách thức khó khăn là thuyết phục Mỹ cho ông một cơ hội. Cuối cùng chính quyền của Tổng thống Trump đã sẵn sàng để Hàn Quốc thực hiện vai trò người hòa giải với Triều Tiên, khi những mong đợi ở Washington rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân đã giảm xuống.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump ngày 1/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo Seoul sẽ sớm cử đặc phái viên đến Triều Tiên và xác nhận những vấn đề đã được thảo luận trong chuyến thăm Hàn Quốc của phái đoàn Triều Tiên.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm 4/3 cũng cho biết, Tổng thống Moon Jae-in đã chỉ định hai quan chức an ninh hàng đầu nước này làm đặc phái viên đến Triều Tiên. Chuyến đi này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đối thoại giữa hai miền Triều Tiên, tiến đến các cuộc đối thoại cấp thượng đỉnh liên Triều.
Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra tại thủ đô Seoul ngày 4/3, Thư ký báo chí văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan thông báo, hai đặc phái viên của Hàn Quốc tới Triều Tiên vào ngày 5/3 sẽ là Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Suh Hoon, cùng Chủ nhiệm Văn phòng An ninh Quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong.
Hai quan chức này sau đó sẽ tới Mỹ trong tương lai gần để thông báo về kết quả chuyến thăm Triều Tiên. Được biết, ông Suh Hoon là người đóng vai trò chủ chốt trong việc sắp xếp các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump cho hay, Mỹ đã chấp nhận rằng Hàn Quốc đang duy trì tốt một kênh ngoại giao hữu hiệu với Triều Tiên và tìm cách để sử dụng nó cho các mục tiêu của Mỹ. Nhưng bước đầu tiên là phải truyền đi được thông điệp nhất quán.
Sự cứng rắn của Mỹ trái ngược hoàn toàn với những cử chỉ mang đầy tính hòa giải từ Hàn Quốc. Đến nay, Washington và Bình Nhưỡng dường như vẫn không thể nói chuyện. Phái đoàn Triều Tiên từng hủy cuộc gặp với Phó tổng thống Mỹ vào phút chót vì lời chỉ trích của ông nhằm vào Bình Nhưỡng về vấn đề hạt nhân và nhân quyền.
Theo giới quan sát, Triều Tiên muốn thế giới công nhận họ là một cường quốc hạt nhân và giành được những nhượng bộ về kinh tế để đổi lấy việc không tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân. Nhưng Mỹ khẳng định sẽ không bao giờ tham gia vào bất cứ cuộc thảo luận nào với Triều Tiên cũng như không nới lỏng trừng phạt nếu Bình Nhưỡng chưa từ bỏ tham vọng hạt nhân.