Liên Hợp Quốc tranh cãi nảy lửa về lệnh ngừng bắn ở Syria
Thế giới - Ngày đăng : 16:22, 23/02/2018
Theo đó, một đợt tấn công của quân chính phủ Syria nhắm vào phe nổi dậy ở vùng Đông Ghouta, ngoại ô Damacus đã làm hàng trăm người chết và bị thương. Đợt không kích bắt đầu từ tối 18/2 và đặc biệt được đẩy mạnh hai ngày qua. Hiện, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang xem xét lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria, theo đề nghị của Thụy Điển và Kuwait, nhằm phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại cho rằng, lệnh ngừng bắn này có thể sẽ tạo cơ hội cho các lực lượng khủng bố tại quốc gia Trung Đông này phản công. Lệnh ngừng bắn trên toàn Syria là cần thiết, song đây chưa phải là thời điểm “chín muồi”.
Đại sứ Nga Vassily Nebenzia
Phát biểu tại phiên họp của Liên Hợp Quốc, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia cho rằng, dự thảo phải được sửa đổi để phù hợp hơn. Theo ông Nebenzia, Thụy Điển và Kuwait, hai nước soạn thảo nghị quyết trên đã đề nghị tiến hành bỏ phiếu về văn bản này mặc dù họ hoàn toàn nhận thức rõ rằng không thể đạt được nhất trí về dự thảo.
Ông Nebenzia cũng nhấn mạnh, Hội đồng Bảo an cần phải đạt được một thỏa thuận “khả thi” về lệnh ngừng bắn và không đưa ra một quyết định “mị dân” và xa rời thực tế.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva có thể ủng hộ biện pháp này nếu như nó không được áp dụng đối với nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham, một chi nhánh của Al-Qaeda tại Đông Ghouta, Syria. Ông Lavrov cũng muốn loại trừ cả những nhóm có liên quan tới Al-Qaeda và những nhóm đang tấn công những khu vực do chính phủ Syria nắm giữ.
Theo hãng tin Sputnik, Ngoại trưởng Nga lo ngại các nước phương Tây đang tìm cách lợi dụng một dự thảo nghị quyết Liên Hợp Quốc để thực hiện “kế hoạch B” tại Syria.
Ông Lavrov nhấn mạnh, lệnh ngừng bắn này nhất quyết không được làm lợi cho các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Al Nusra, cũng như các nhóm vũ trang đang hợp lực với hai tổ chức khủng bố này, để tấn công khu dân cư tại thủ đô Damacus, do chính phủ Syria kiểm soát.
Ngoại trưởng Nga cho biết thêm, quân đội nước này đang làm nhiệm vụ tại Syria từng đề nghị lực lượng đối lập rời khỏi Đông Ghouta trong hòa bình, giống như họ đã từng làm sau khi thất thủ ở Aleppo. Tuy nhiên, Nga đã chỉ nhận được câu từ chối “thẳng thừng”. Do đó, các cuộc không kích của Syria và Nga tại khu vực Đông Ghouta vẫn tiếp tục bước sang ngày thứ 5 liên tiếp nhằm vào các lực lượng khủng bố tại đây.
Trong khi đó, các nước Anh, Pháp và Mỹ lại hối thúc thông qua dự thảo nghị quyết này. Đại diện của Mỹ tại Liên Hợp Quốc mong muốn Hội đồng Bảo an sớm bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria kéo dài trong vòng 30 ngày. Nhưng, Nga hoàn toàn có quyền phủ quyết nếu những sửa đổi của nước này trong bản dự thảo này không được các nước thành viên chấp thuận.
Về phía giới quan sát, họ cho rằng một lệnh ngừng bắn tại Syria là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho người dân, đặc biệt là tại khu vực Đông Ghouta, nơi đang có hơn 400.000 người dân bị mắc kẹt. Tuy nhiên, đó dường như là một điều khá xa vời khi mà cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia này vẫn chưa có hồi kết.