Jerusalem vẫn căng như dây đàn sau khi 128 thành viên Đại hội đồng phản đối Mỹ
Thế giới - Ngày đăng : 15:26, 22/12/2017
Theo RT, ngày 21/12, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) đã mở phiên họp khẩn cấp hiếm thấy để bỏ phiếu về nghị quyết phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Kết quả, nghị quyết này đã được thông qua với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống trong khi 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và 21 nước không bỏ phiếu.
Con số phiếu trắng và phiếu chống trong phiên bỏ phiếu này nhiều bất thường so với các phiên bỏ phiếu trước về các nghị quyết liên quan đến Palestine, cho thấy đe dọa của ông Trump đã phần nào có ảnh hưởng.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết về Jerusalem
Trước đó, ngày 20/12 ông Trump tuyên bố sẽ cắt viện trợ nước nào bỏ phiếu chống lại Mỹ về vụ Jerusalem. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cũng từng tuyên bố, sẽ “ghim tên” nước nào bỏ phiếu chống lại Mỹ.
Ngay sau phiên bỏ phiếu của Đại Hội đồng trước 193 nước thành viên, bà Haley tuyên bố, bất cứ quyết định nào của UNGA sẽ không ảnh hưởng đến quyết định về Jerusalem của Washington. Bà Haley cũng nhắc lại những đóng góp “hào phóng” của nước Mỹ cho Liên Hợp Quốc và mong muốn ý định của Washington sẽ được tôn trọng.
Bà Haley cũng tiếp tục cảnh cáo rằng, Mỹ sẽ ghi nhớ ngày này, ngày Mỹ bị tấn công ở Đại Hội đồng Liên Hợp quốc vì đã thực hiện quyền của một nước có chủ quyền.
Được biết, sau phiên bỏ phiếu, bà Haley đã mời 64 nước bỏ phiếu chống, phiếu trắng và không bỏ phiếu cùng dự buổi tiệc chiêu đãi nhằm “cảm ơn tình hữu nghị" của các bạn với Mỹ vào ngày 3/1 tới.
Về lời đe dọa cắt viện trợ của ông Trump, ngày 21/12 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert minh định cuộc bỏ phiếu sẽ chỉ là một yếu tố để Mỹ cân nhắc chính sách đối ngoại. Số liệu từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ USAID, Mỹ đã chi khoảng 37 tỉ USD hỗ trợ tài chính và quân sự khắp thế giới.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù Nghị quyết không có giá trị ràng buộc pháp lý nhưng có ý nghĩa chính trị lớn và không thể phủ nhận thực tế bị cô lập của Mỹ khi rất nhiều đồng minh phương Tây và Ả Rập bỏ phiếu thuận. Một số đồng minh như Ai Cập, Jordan, Iraq vốn đã nhận rất nhiều hỗ trợ quân sự và kinh tế từ Mỹ.