Vì sao Tổng thống Trump cho nổ "quả bom" Jerusalem?

Thế giới - Ngày đăng : 13:38, 11/12/2017

Việc ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel không đóng góp gì cho hòa bình khu vực, mà chỉ đẩy Trung Đông vào tình thế như “đi trên lưỡi dao".

Ngày 6/12, Tổng thống Trump bất ngờ ra tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và tin rằng quyết định này là một bước đi quan trọng thúc đẩy quá trình hòa bình và hướng tới một thỏa thuận dài hạn.

Lời tuyên bố của ông Trump đã được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đón nhận nhiệt liệt. Ông Netanyahu cũng nắm bắt cơ hội kêu gọi các nước khác công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Tuy nhiên, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thì lên án và bác bỏ quyết định của ông Trump. Phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Palestine cho biết động thái này sẽ khiến các tổ chức cực đoan tiến hành các cuộc chiến chống lại Mỹ.

Nhà thương thuyết cao cấp của Palestine, ông Saeb Erakat cho biết, quyết định của ông Trump sẽ làm Mỹ mất khả năng đóng bất kỳ vai trò gì trong bất kỳ tiến trình hòa bình nào. Đồng thời nhấn mạnh, Tổng thống Trump vừa phá huỷ các thỏa thuận đã được ký kết giữa người Palestine và Israel.

Đi cùng với quyết định nói trên là việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Avive về Jerusalem. Theo giới quan sát, động thái này được đánh giá là sự đảo chiều nguy hiểm đối với tương lai của tiến trình hòa bình Trung Đông, đẩy khu vực này tiếp tục vào tình trạng bất ổn.

Vì sao Tổng thống Trump cho nổ

Vì sao Tổng thống Trump cho nổ "quả bom" Jerusalem?

Được biết, Jerusalem là thánh địa quan trọng nhất đối với người Do Thái bởi vì theo Kinh Thánh Hebrew, đây là nơi vua David xây dựng thủ đô của Vương quốc Israel thống nhất và vua Solomon xây Đền Thờ Đầu tiên. Còn theo Kitô giáo, tại Jerusalem, Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá.

Trong truyền thống Hồi giáo dòng Sunni đây là thành phố quan trọng thứ ba sau Mecca và Medina bởi theo kinh Koran, Jerusalem là điểm dừng chân trong Hành trình Đêm kỳ bí của Nhà tiên tri Mohammed. Do đó, thành phố trở thành một thánh địa chung của cả ba tôn giáo nói trên, lưu giữ nhiều di tích tôn giáo và là điểm hành hương hàng năm. Khu vực Thành Cổ của Jerusalem đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1981.

Liên Hợp Quốc năm 1947 thông qua kế hoạch phân chia lãnh thổ ủy trị Palestine thành hai quốc gia Do Thái (Israel) và Arab (Palestine) riêng biệt. Liên Hợp Quốc trao chế độ quốc tế đặc biệt cho thành phố Jerusalem.

Bên Do Thái đồng ý kế hoạch này và thành lập Nhà nước Israel vào tháng 5/1948. Trong khi đó, phe Arab trên toàn khu vực phản đối kế hoạch và tiến hành chiến tranh với Israel năm 1948 - 1949. Israel giành chiến thắng, kiểm soát Tây Jerusalem và nhiều phần đất vốn thuộc Palestine theo phân chia của Liên Hợp Quốc. Họ cũng trục xuất nhiều người Palestine ra khỏi những khu vực này.

Năm 1980, Israel thông qua luật Jerusalem, tuyên bố rằng "Jerusalem, hoàn chỉnh và thống nhất, là thủ đô của Israel". Nghị quyết 478 của Hội đồng Bảo an tuyên bố luật này "vô hiệu". Không nước nào đặt đại sứ quán ở Jerusalem. Trong khi đó, phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai. Phong trào nổi dậy của người Palestine chống lại Israel đã diễn ra trong nhiều năm, gây ra nhiều thương vong cho cả hai phía.

Thực tế, Đạo luật Đại sứ quán ở Jerusalem đã được quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1995, yêu cầu đại sứ quán Mỹ phải di chuyển đến Jerusalem. Tuy nhiên, những người tiền nhiệm của ông Trump cứ 6 tháng một lần lại ra lệnh trì hoãn quyết định này, mặc dù họ từng hứa hẹn sẽ thực hiện điều đó trong chiến dịch tranh cử.

Với động thái này, ông Trump đã hoàn thành lời hứa trong chiến dịch và làm hài lòng những người bảo thủ của đảng Cộng hòa và các cử tri Do Thái cánh hữu.

Để trả lời cho những cảnh báo và lo ngại trước quyết định này, Tổng thống Trump khẳng định quyết định này vẫn đi cùng với cam kết của Mỹ về việc giúp Israel và Palestine đạt được một thỏa thuận hòa bình. Ông Trump khẳng định tuyên bố này không đánh dấu một sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ trong vấn đề đường biên giới cuối cùng giữa các bên trong tương lai tại khu vực.

Tuy nhiên, các lãnh đạo ở Trung Đông và những nơi khác cảnh báo về hậu quả thảm khốc sau khi Mỹ ra quyết định. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại nơi sinh sống của người Palestine tị nạn ở Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên lo ngại về bất ổn kéo dài. Một số người cho rằng động thái này có thể xóa nhòa hy vọng về tương lai đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.

Wardah Khalid, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông cho rằng, việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cả thế giới bối rối, bởi người đưa ra quyết định này luôn tự hào mình là một chuyên gia đàm phán lão luyện. Nhưng trong động thái này, ông Trump đã thể hiện sự nhượng bộ gần như vô điều kiện cho một bên trong cuộc đàm phán phức tạp mà không thu về được gì, trái lại còn đẩy Trung Đông vào tình thế như “đi trên lưỡi dao”.

Còn bình luận viên Fareed Zakaria của Washington Post thì gọi quyết định này của ông Trump là một động thái thể hiện sự ủng hộ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho ông. Thực chất, ông Trump không chỉ ra được bất cứ thay đổi lớn nào về chính sách đối ngoại với Israel, cũng không có những biện pháp để trấn an người Palestine sau động thái này. Tính toán chiến lược duy nhất trong quyết định trên dường như là nó sẽ giúp củng cố vị thế của đảng Cộng hòa trong bối cảnh ứng viên Roy Moore sắp tranh cử thượng nghị sĩ ở bang Alabama.

Nhưng nhiều chuyên gia nhận định, tính toán đó của ông Trump có thể dẫn tới sự quay ngoắt 180 độ trong chính sách lâu dài của Mỹ, trong đó có hệ quả Mỹ tự tước bỏ vị thế của mình trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine cũng như với sự ổn định của khu vực, đồng thời đánh mất các đồng minh Arab và Hồi giáo quan trọng.

Hậu quả nghiêm trọng nhất sau tuyên bố này của Tổng thống Trump là Israel có thể gia tăng hoạt động chiếm đóng quân sự và xây dựng khu định cư trên đất của người Palestine, đi ngược lại hoàn toàn với tiến trình đàm phán hòa bình.

Việc tăng cường chiếm đóng quân sự của Israel ở Jerusalem có thể cản trở đáng kể quyền tự do đi lại, quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên và được đối xử bình đẳng của người Palestine sinh sống ở khu vực. Điều này nhiều khả năng sẽ dẫn tới gia tăng mâu thuẫn giữa người Palestine và người Israel, khoét sâu hơn những rạn nứt và thổi bùng lên căng thẳng trong khu vực. Thậm chí có thể bùng phát thành một phong trào bạo lực mới dẫn đến cái chết của nhiều người ở cả hai bên.

Lịch sử có thể sẽ đánh giá tác động thực sự mà quyết định của ông Trump đem đến cho Trung Đông. Tuy nhiên, việc ông phá vỡ thông lệ đã được cả thế giới công nhận chỉ để thực hiện lời hứa đưa ra khi tranh cử không phải là hành động mang tính biểu tượng, đó chỉ là động thái nguy hiểm tiềm ẩn những bất ổn chưa thể lường trước.

Hà Kim