Mọi tính toán của Mỹ bị “vô hiệu hóa” sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Thế giới - Ngày đăng : 14:51, 04/12/2017

Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên dường như đã “vô hiệu hóa” chính sách gây sức ép tối đa của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo đó, vào sáng sớm 29/11, Triều Tiên thử một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) theo phương gần như thẳng đứng. Quả tên lửa này đã bay vào không gian, xa hơn rất nhiều so với quỹ đạo của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ở độ cao 408km, trước khi rơi xuống vùng biển cách bờ Nhật Bản 210km.

Các quan chức quân đội Mỹ đã khẳng định, tên lửa Triều Tiên vừa phóng là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), bay xa 1.000 km và đạt độ cao đỉnh là 4.500 km. Tên lửa mới ước tính có tầm bắn lên tới 13.000 km và cũng bay lâu hơn đáng kể so với hai lần thử trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng cho biết, tên lửa này bay cao hơn so với tất cả các vụ phóng thử trước đó của Bình Nhưỡng nhưng vụ phóng này không tạo ra mối đe dọa đến khu vực Bắc Mỹ, các vùng lãnh thổ của Mỹ hay đồng minh của Washington.

Mọi tính toán của Mỹ bị “vô hiệu hóa” sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Mọi tính toán của Mỹ bị “vô hiệu hóa” sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Ngay sau đó, trong một thông báo chính thức phát trên kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên ngày 30/12 cho biết, Bình Nhưỡng đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 có thể mang đầu đạn hạt nhân siêu lớn. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố nước này đã đạt được năng lực hạt nhân toàn diện.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong vụ thử nghiệm vào sáng sớm ngày 29/11 được phóng đi từ một thiết bị mới được phát triển. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp giám sát vụ phóng tên lửa này và mô tả bệ phóng tên lửa mới là “hoàn hảo” và là “bước đột phá” trong chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Cũng theo truyền thông Triều Tiên, đầu đạn của tên lửa ICBM do nước này phát triển có thể chịu được áp suất trong quá trình bay trở lại bầu khí quyển của Trái đất.

Nếu tên lửa do Triều Tiên phóng đi trong vụ thử mới nhất thực sự là Hwasong-15 thì đây sẽ là bước phát triển mới trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng. Trước đó, Triều Tiên mới chỉ phóng thử các tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 đời cũ hoặc tên lửa tầm trung Hwasong-12.

Dù Triều Tiên tuyên bố đạt được thành công trong công nghệ hồi quyển tên lửa, nhưng nhiều chuyên gia hạt nhân nghi ngờ Bình Nhưỡng vẫn chưa thể vượt qua tất cả các rào cản kỹ thuật, bao gồm việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn trên lửa đạn đạo liên lục địa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể sớm hoàn thiện công nghệ này.

Nhiều nhà phân tích khác cũng đồng ý với đánh giá này và cho rằng, Triều Tiên sẽ còn đẩy giới hạn các vụ thử tên lửa đi xa hơn nữa trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang tìm cách hoàn thiện năng lực ICBM có thể bắn tới mọi mục tiêu.

Kingston Reif - Giám đốc về giải giáp và chính sách giảm nhẹ mối đe dọa thuộc Hiệp hội kiểm soát vũ khí (ACA) nhận định trên National Interest rằng, Triều Tiên dường như muốn tiến hành thêm các vụ thử để củng cố niềm tin vào năng lực của nước này, cụ thể là một loại ICBM với góc bắn tốn ít nhiên liệu nhất và có khả năng trở lại bầu khí quyển thành công.

Trong khi một số nhà phân tích lại cho rằng, áp lực bên ngoài, cụ thể là từ Mỹ và các đồng minh đã khiến Triều Tiên phải đáp trả sau hơn 2 tháng sau tạm dừng các vụ thử tên lửa. Việc Triều Tiên “án binh bất động” thời gian qua chỉ mang tính nhất thời và có thể có nhiều lý do ẩn chứa.

Trong khi đó, chuyên gia Kingston Reif lại nhận định rằng, chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy căng thẳng với Triều Tiên đến mức độ này. Nhưng dường như, chiến lược gây sức ép tối đa của chính quyền Tổng thống Trump hiện nay đang thất bại.

Chuyên gia về kiểm soát vũ khí, Chủ tịch Quỹ Ploughshares, ông Joseph Cirincione thì cho rằng, các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên được thúc đẩy từ nội bộ hơn là do ông Trump.

Ông Cirincione nhận định, Tiều Tiên quan sát Mỹ rất tỉ mẩn và dù vô tình hay cố ý thì họ cũng đã thử quả tên lửa này vào đúng lúc Tổng thống Trump đang bề bộn giữa nội bộ chính trường và điều đó hạn chế khả năng ứng phó của ông Trump.

Theo các chuyên gia, Mỹ cần phải tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đang phát triển ở mức Bình Nhưỡng có thể cảm thấy đủ an toàn để mở đường đối thoại với Washington.

Tuy nhiên, hiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump dường như không có chiến lược mạch lạc cho phương án đó và điều này cần phải nhanh chóng thay đổi.

Hà Kim