Vén màn bí mật hậu trường vụ binh biến ở Zimbabwe
Thế giới - Ngày đăng : 09:09, 27/11/2017
Theo đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Zimbabwe Ignatius Chombo và hai lãnh đạo trẻ khác của đảng cầm quyền ZANU-PF khẳng định rằng đã bị quân đội “bắt cóc” trước khi được bàn giao lại cho cảnh sát Zimbabwe quản thúc tạm thời.
Tuyên bố của ông Chombo làm dấy lên những tranh cãi về tính hợp pháp của cuộc binh biến. Trong khi đó, quân đội nước này vẫn khẳng định sự việc đã được diễn ra “hợp pháp và hòa bình”. Được biết, cả ba nhân vật này đều được cho là có quan hệ thân cận với cựu đệ nhất phu nhân Grace Mugabe. Cả ba cựu quan chức đang bị cảnh sát giam giữ. Cựu bộ trưởng Tài chính Zimbabwe đang bị cáo buộc tội danh tham nhũng, trong khi hai lãnh đạo đảng ZANU-PF khác bị buộc tội phỉ báng quân đội.
Tân tổng thống Zimbabwe nhậm chức hôm 24/11
Tại tòa án, ông Chombo cho biết cuộc đột kích của quân đội diễn ra rất nhanh vào sáng sớm 15/11. Những người đàn ông mang theo súng AK-47 bước vào phòng ngủ, chĩa súng vào hai vợ chồng ông và cả người giúp việc. Ông Chombo sau đó bị còng tay, bịt mắt và đưa ra khỏi nhà thông qua một cửa sổ bị đập vỡ.
Dù không bị đánh đập trong thời gian giam giữ, nhưng cựu bộ trưởng khẳng định ông đã bị thương nặng trong quá trình bị bắt giữ khỏi nhà. Ông bị bịt mắt trong suốt thời gian bị những người mặc quân phục quản thúc. Vài ngày sau, những thành viên tham gia vụ bắt cóc đưa ông về nhà và sau đó lập tức bàn giao ông cho cảnh sát.
Luật sư của ông Chombo là Lovemore Madhuku khẳng định thân chủ của mình đã bị các mật vụ có thể thuộc quân đội bắt cóc. Luật sư nhấn mạnh các quyền cá nhân của ông Chombo đã bị vi phạm trắng trợn vì ông không được đưa ra tòa trong thời gian 48 giờ kể từ khi bị bắt.
Tuy nhiên, công tố viên Edmore Nyazamba tuyên bố việc cảnh sát quản thúc ông Chombo là hợp pháp và không có bằng chứng nào cho thấy những người đàn ông có vũ trang thuộc lực lượng quân đội.
Tờ The Guardian cũng dẫn lời một quan chức cấp cao ZANU-PF cho hay, cựu Tổng thống Robert Mugabe và phu nhân sẽ nhận được một số tiền “khủng” lên đến hàng triệu USD.
Số tiền này nằm trong thỏa thuận chấp nhận từ chức tổng thống của ông Mugabe hồi tuần trước. Số tiền chính xác mà hai vợ chồng ông Mugabe nhận được hiện vẫn chưa rõ, tuy nhiên con số này sẽ “không ít hơn 10 triệu USD”. Ngoài ra, cựu lãnh đạo 93 tuổi của Zimbabwe cũng sẽ được nhận lương hưu 150.000 USD/tháng cho đến cuối đời, trong khi phu nhân Grace cũng được nhận mức lương hưu bằng một nửa của chồng.
Thỏa thuận từ chức của ông Mugabe cũng bao gồm việc giữ nguyên vẹn các tài sản kinh doanh của gia đình ông trên khắp thế giới. Ông Mugabe và bà Grace cũng sẽ được ở lại trong tư dinh ở thủ đô Harare. Chính phủ sẽ chi trả chi phí y tế, nhân viên phục vụ, nhân viên an ninh và chi phí đi lại nước ngoài của hai vợ chồng cựu tổng thống.
Tuy nhiên, thỏa thuận triệu USD này đang bị một số nghị sĩ đối lập của Zimbabwe chỉ trích là hành động vi hiến.
Douglas Mwonzora, Tổng Thư ký của Phong trào Cải tiến dân chủ, đảng đối lập chính tại Zimbabwe khẳng định, theo hiến pháp, ông Mugabe là tổng thống đã nghỉ hưu và không có quyền miễn truy tố với các sai phạm hình sự hoặc dân sự phạm phải trong khi nắm quyền. Họ có thể cho phép miễn trừ trong nội bộ ZANU-PF, nhưng pháp luật không cho phép điều đó.