Điều gì khiến ông Putin bất ngờ "mạnh tay" ký lệnh trừng phạt Triều Tiên?
Thế giới - Ngày đăng : 10:58, 17/10/2017
Hôm 16/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp hạn chế với Triều Tiên nhằm buộc Bình Nhưỡng tuân thủ nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Điều gây bất ngờ là sắc lệnh này được Nga đưa ra sau khi một phái đoàn Triều Tiên tới thành phố St. Petersburg để tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU-137).
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Theo đó, sắc lệnh hạn chế Triều Tiên được Tổng thống Putin vừa ký sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Thậm chí, Tổng thống Putin còn yêu cầu các tàu biển bị cáo buộc liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ bị cấm cập cảng của Nga ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Lệnh trừng phạt của Nga còn cấm chuyển giao các loại trực thăng và tàu thủy mới tới Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đồng thời còn bị hạn chế tiếp cận các mặt hàng xa xỉ như thảm và đồ sứ có giá trị lớn lần lượt là 500 USD và 1000 USD. Ngoài ra, Triều Tiên cũng không thể sử dụng bất cứ bất động sản nào ở Nga ngoại trừ các cơ sở ngoại giao và lãnh sự quán.
Trong khi đó, hôm 16/10, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ban hành một loạt lệnh trừng phạt mới với Bình Nhưỡng. Theo đó, EU cấm nhập khẩu, buôn bán hoặc vận chuyển xăng dầu và dầu mỏ sang Triều Tiên. Các khoản quỹ cũng bị cấm chuyển sang cho Triều Tiên.
Khi Nga và EU liên tiếp tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên thì tại phiên họp của IPU, người đứng đầu phái đoàn của Triều Tiên gay gắt chỉ trích những biện pháp trừng phạt của Mỹ là hành động “khủng bố cấp quốc gia”.
Hiện, Bình Nhưỡng vẫn chưa có phản ứng gì trước việc Tổng thống Putin ký sắc lệnh trừng phạt họ. Tuy nhiên, có thể chắc chắn một điều rằng, Bình Nhưỡng sẽ không tránh khỏi cảm giác sốc và tức giận. Bởi Nga lâu nay vẫn được biết đến là một trong số ít nước có mối quan hệ khá thân thiết với Triều Tiên.
Từ trước, Nga và Trung Quốc luôn có lập trường chung trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Cả Bắc Kinh và Moscow đều liên tục nhấn mạnh đến lập trường ủng hộ giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên thông qua các cuộc đối thoại, đàm phán trực tiếp. Nga và Trung Quốc tin rằng, đó là con đường duy nhất để làm dịu căng thẳng trong khu vực. Hai nước này đều phản đối biện pháp trừng phạt và chiến tranh.