Nga muốn gì khi bất ngờ cấp mạng Internet cho Triều Tiên?

Thế giới - Ngày đăng : 08:07, 03/10/2017

Theo công bố mới nhất của Dyn Research, tổ chức theo dõi tín hiệu truy cập mạng internet toàn cầu tiết lộ thì người Triều Tiên giờ đây có hai cách để kết nối mạng Internet.

Trưởng bộ phận công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty an ninh mạng FireEye Inc, ông Bryce Boland cho biết, công ty viễn thông TransTelecom của Nga mới đây đã mở kết nối Internet cho người dùng tại Triều Tiên.

Theo đó, công ty viễn thông TransTeleCom của Nga đã bắt đầu thiết lập đường truyền cho Triều Tiên kể từ 9 giờ 08 phút ngày 1/10.

Trước đây, công ty China United Network Communications là công ty duy nhất cung cấp kết nối Internet cho Triều Tiên. Đường truyền mạng internet của Bình Nhưỡng được China Unicom xử lý, theo một thỏa thuận kể từ năm 2010.

Nga muốn gì khi bất ngờ cấp mạng Internet cho Triều Tiên?

Công ty viễn thông TransTeleCom của Nga đã bắt đầu thiết lập đường truyền cho Triều Tiên

Nhưng hiện nay TransTelecom sẽ chịu trách nhiệm cho khoảng 60% lượng truy cập internet của Triều Tiên, và Unicom là 40% còn lại. TransTeleCom từ chối bình luận về thỏa thuận mới này.

Trong thông cáo của mình, công ty này chỉ nói rằng,TransTeleCom vốn đã có đầu mối mạng trung kế với Triều Tiên theo thỏa thuận với Tập đoàn Viễn thông và Bưu chính Triều Tiên, ký kết năm 2009.

Ông Bryce Boland cho biết, trước đây khả năng truy cập internet của Triều Tiên là có giới hạn, ước tính vào khoảng vài trăm cho tới hơn 1.000 kết nối. Bây giờ có được đường truyền thông qua cả Nga và Trung Quốc, Triều Tiên có thể giảm sự phụ thuộc của mình vào một nguồn trong trường hợp phải đối mặt với căng thẳng địa chính trị.

Cũng theo ông Boland, đường truyền mới sẽ giúp Triều Tiên gia tăng khả năng thực hiện các vụ tấn công mạng trong tương lai.

Chính phủ phương Tây hiện đang cáo buộc Triều Tiên gây ra một số vụ tấn công mạng đình đám trong những năm gần đây, gồm cả những hoạt động nhằm vào ngân hàng và hãng Sony Pictures, cũng như vụ tấn công WannaCry khiến nhiều hệ thống máy tính bị tê liệt. Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định mình không liên quan.

Hà Kim