Phớt lờ việc đối thoại, Trump còn quân bài nào với Triều Tiên?

Thế giới - Ngày đăng : 09:21, 04/09/2017

Sau khi từ chối đối thoại, Mỹ chỉ còn các phương án quân sự đối với Triều Tiên, nhưng tất cả đều tiềm ẩn hậu quả thảm khốc.

Ngày 3/9, Triều Tiên không ngần ngại cho nổ bom H dù Mỹ nhiều lần tuyên bố sẵn sàng dùng biện pháp quân sự để buộc Triều Tiên dừng lại.

Các hãng truyền thông chính thức của Triều Tiên đã đưa ra thông báo về việc nước này thử thành công bom nhiệt hạch (bom H). Ngay sau đó, cả Mỹ và Trung Quốc đồng loạt đưa ra những phản ứng chính thức đầy mạnh mẽ nhằm phản đối hành động của Bình Nhưỡng.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, nước này phản đối và lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ sáu. Ngoài ra, vị đại diện cũng khẳng định, Trung Quốc giữ lập trường kiên định trong việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, bảo đảm việc không phát tán vũ khí hạt nhân, bảo vệ hòa bình ổn định khu vực Đông Bắc Á.

Trung Quốc yêu cầu Triều Tiên nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an, dừng ngay các hành động làm gia tăng thêm căng thẳng tại khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đề cập trực tiếp sự kiện thử hạt nhân của Triều Tiên khi phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc). Tuy nhiên, ông Tập nhấn mạnh rằng, bóng đen đang bao trùm lên thế giới sau hơn nửa thế kỷ hòa bình. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng chỉ có đàm phán, tham vấn và thương lượng mới có thể dập tắt lửa chiến tranh.

Phớt lờ việc đối thoại, Trump còn quân bài nào với Triều Tiên?

Phớt lờ việc đối thoại, Trump còn quân bài nào với Triều Tiên?

Trên trang Twitter, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng những phát ngôn và hành động của Triều Tiên tiếp tục gây nguy hiểm đối với Mỹ.
Ông Trump viết: “Triều Tiên là một nước đã trở thành mối đe dọa lớn và sự xấu hổ cho Trung Quốc trong khi nước này đang cố giúp nhưng không được bao nhiêu”.

Trong khi đó, phát biểu trên kênh Fox News, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin tiết lộ, Washington đang soạn thảo gói trừng phạt mới, có thể cắt đứt toàn bộ thương mại với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thử bom H.

Ông Mnuchin nhấn mạnh, Mỹ sẽ phối hợp với Trung Quốc, nhưng các nước đồng minh cũng cần phải cắt đứt quan hệ với Triều Tiên. Vì cách hành xử của Bình Nhưỡng là không thể chấp nhân được.

Trong một động thái có liên quan, các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ và Hàn Quốc thống nhất sử dụng các biện pháp quân sự nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Joseph Dunford có cuộc điện đàm với Tướng Jeong Kyeong-doo, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS). Hai bên đồng ý dàn xếp một cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo của hai nước trong tương lai gần để thảo luận về nỗ lực kiềm chế chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, lần thử bom H vừa qua tiếp tục là một phép thử của Triều Tiên đối với Mỹ và đồng minh. Bởi lẽ trước đó, Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng áp dụng biện pháp quân sự để buộc Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên đến thời điểm này, Washington mới chỉ dừng lại ở các tuyên bố mà chưa có những hành động cụ thể.

Justin Bronk, chuyên gia về công nghệ và sức mạnh không quân tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng, các chiến lược gia Mỹ chỉ nên nghiêm túc xem xét những biện pháp quân sự nếu đàm phán và ngoại giao với Triều Tiên bị gác lại.

Còn hiện tại, để tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên, Mỹ có thể triển khai thêm lực lượng tới Hàn Quốc, bao gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất như THAAD, pháo hạng nặng và xe thiết giáp, nhằm cho Bình Nhưỡng thấy rằng Washington sẵn sàng sử dụng vũ lực để hỗ trợ cho các yêu cầu của mình.

Không quân Mỹ cũng có thể đưa các phi đội tiêm kích, máy bay tiếp dầu, phi cơ trinh sát và oanh tạc cơ hạng nặng tới các căn cứ tiền phương ở Guam, Hàn Quốc và Nhật Bản để gửi thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên.

Nhưng theo các chuyên gia quân sự, đây được coi là giải pháp ít rủi ro nhất nhưng cũng kém hiệu quả nhất, bởi nó chỉ đơn giản dựa trên lực lượng quân sự vốn đã được triển khai từ lâu tại Hàn Quốc, trong khi các khí tài này thu được rất ít thành công trong khả năng răn đe chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.

Ngoài ra, Trung Quốc và Nga chắc chắn cũng sẽ lên tiếng phản đối việc Mỹ gia tăng lực lượng quân sự ngay sát nách mình. Và Bình Nhưỡng rất có thể sẽ nhận định rằng việc Mỹ tập kết lực lượng, khí tài tại Hàn Quốc là một động thái chuẩn bị cho xâm lược và rất có thể sẽ tung đòn tấn công phủ đầu để tự vệ, châm ngòi cho cuộc chiến thảm khốc.

Bronk cho rằng, một cuộc tấn công tổng lực bằng bộ binh vào lãnh thổ Triều Tiên được xem là giải pháp cuối cùng nhưng khả năng xảy ra là gần như không thể, bởi nó sẽ gây hậu quả quá nặng nề cho cả Triều Tiên lẫn Mỹ và Hàn Quốc.

Dù Tổng thống Trump từng tuyên bố "mọi phương án đang nằm trên bàn", nhưng Mỹ sẽ không thể dựa vào bất cứ giải pháp quân sự nào để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên mà không phải trả cái giá rất đắt.

Chuyên gia Bronk tin rằng bất chấp tuyên bố cứng rắn của Trump, Mỹ sẽ vẫn phải tiếp tục con đường đàm phán, đối thoại với Triều Tiên. Thực tế cũng cho thấy Washington chưa có bất cứ dấu hiệu nào về việc thay đổi chính sách một cách nhanh chóng ngoài những lời ám chỉ về giải pháp quân sự của Tổng thống Trump.

Hà Kim