Dù là đồng minh của Mỹ, UAE vẫn “lách luật” mua vũ khí của Triều Tiên?

Thế giới - Ngày đăng : 15:54, 14/08/2017

Dù là một đồng minh thân thiết của Mỹ ở vùng Vịnh, nhưng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vẫn “lách luật” để vượt mặt Mỹ tiến hành nhiều thương vụ mua bán vũ khí và nguyên liệu hạt nhân với Triều Tiên mà không bị Mỹ trừng phạt.

Mới đây, một tài liệu bị rò rỉ từ Bộ Ngoại giao Mỹ lại cho biết, UAE đã mua số vũ khí trị giá 100 triệu USD từ Triều Tiên vào tháng 6/2015 để hỗ trợ lực lượng quân sự do Ả Rập Xê-út dẫn đầu tham chiến ở Yemen, bất chấp những dự luật trừng phạt, những lời chỉ trích mạnh mẽ từ phía Mỹ dành cho Bình Nhưỡng.

Lâu nay, UAE vẫn được nhiều người xem là đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Nhưng quan hệ giữa Abu Dhabi và Washington từng trở nên căng thẳng sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định ký kết thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran vào năm 2015.

Được biết, thỏa thuận JCPOA có hiệu lực từ ngày 16/1/2016, Iran được quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt tài chính, kinh tế và dầu mỏ để đổi lấy việc nước này giới hạn các hoạt động hạt nhân.

Nhưng, UAE đã một mực phản đối thỏa thuận này của cựu Tổng thống Obama với Iran. Theo kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy, 91% người dân UAE bày tỏ sự phản đối với JCPOA.

Bên cạnh đó, không ít chính trị gia UAE cho rằng Iran sẽ phản bội các cam kết trong JCPOA để tiếp tục con đường trở thành quốc gia hạt nhân. Do đó, ngay cả đại sứ UAE tại Mỹ, ông Yousef al-Otaiba cũng đã bày tỏ hy vọng UAE sẽ phát triển năng lực phòng thủ hạt nhân cho riêng mình.

Dù là đồng minh của Mỹ, UAE vẫn “lách luật” mua vũ khí của Triều Tiên?

UAE đã mua số vũ khí trị giá 100 triệu USD từ Triều Tiên vào tháng 6/2015 

Chính vì thế, mặc dù giới chức Mỹ không muốn UAE mua vũ khí hạt nhân nhưng Abu Dhabi vẫn duy trì quan hệ thương mại với cả các nước sở hữu hạt nhân mang tư tưởng phản đối phương Tây. Đây chính là cách giúp UAE có thể nhanh chóng đưa ra biện pháp đối phó trong trường hợp Iran vi phạm các điều khoản trong JCPOA.

Ngoài ra, UAE còn có thể giải thích việc mua vũ khí của Triều Tiên là do Bình Nhưỡng hiện là một trong những nhà cung cấp hệ thống tên lửa đáng tin cậy cũng như UAE muốn ngăn chặn Triều Tiên bán công nghệ quân sự tiên tiến cho Iran và các tay súng nổi dậy Houthi tại Yemen.

Trong hoàn cảnh này, Triều Tiên được xem là nhà cung cấp nguyên liệu hạt nhân đầy tiềm năng đối với UAE. Cùng với đó, mối quan hệ quân sự giữa UAE và Bình Nhưỡng đã được thiết lập từ năm 1989, thời điểm Abu Dhabi mua các tên lửa Scud-B của Triều Tiên. UAE cũng tiến hành phát triển các hệ thống máy bay Mirage 2000 và F-16, hai phương tiện có thể được dùng để vận chuyển vũ khí hạt nhân.

Dù ban đầu, Trung Quốc và Pakistan được đánh giá là hai nhà cung cấp nguyên liệu hạt nhân đầy tiềm năng cho UAE nếu như Abu Dhabi đề nghị, nhưng việc cả Bắc Kinh và Islamabad không muốn chọc giận Iran, đã giúp Bình Nhưỡng trở thành nhà cung cấp công nghệ hạt nhân được ưu ái.

Bên cạnh đó, các thương vụ mua bán quân sự giữa UAE và Triều Tiên còn giúp chính phủ Bình Nhưỡng duy trì nguồn cung ngoại tệ thiết yếu để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang chịu sức ép lớn từ lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Cũng chính tầm quan trọng của UAE khi giữ vai trò là đối tác kinh tế của Triều Tiên có thể giúp Abu Dhabi thuyết phục Bình Nhưỡng không cung cấp các công nghệ quân sự tối tân cho Iran và các đồng minh.

Nhưng do việc mua bán nguyên liệu hạt nhân với Triều Tiên sẽ vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ, nên UAE đã chọn cách tiến hành các thỏa thuận quân sự với Bình Nhưỡng thông qua các công ty tư nhân. Hành động này cũng sẽ giúp Abu Dhabi tránh bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt.

Đây cũng chính là lý do thỏa thuận mua bán vũ khí giữa UAE và Triều Tiên hồi tháng 6/2015 được tiến hành qua công ty mang tên al-Mutlaq Technolog.

Tuy nhiên, mối quan hệ mật thiết giữa al-Mutlaq Technolog và Tập đoàn Vàng quốc tế (IGG), công ty nhập khẩu vũ khí hàng đầu của UAE do người bạn thân của Thái tử UAE là Fadhil Saif al-Kaabi điều hành, càng làm dấy lên mối nghi ngờ về các thương vụ mua bán quân sự giữa chính phủ UAE và Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, chính sự mập mờ trong việc chính phủ UAE nhúng tay vào các thương vụ mua bán vũ khí với Triều Tiên trong khi Bộ Ngoại giao nước này vẫn chính thức công khai chỉ trích Bình Nhưỡng phóng ICBM, đã giúp UAE duy trì khả năng mua vũ khí và nguyên liệu hạt nhân từ Triều Tiên một cách nhanh chóng mà không bị Mỹ giám sát.

Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất mới đây đã gọi hành động phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên hướng về phía vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản là "mối đe cực lớn đối với nền an ninh và ổn định của thế giới", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong việc ngăn chặn sự phát triển của các loại vũ khí hạt nhân.

Trái ngược với những lời chỉ trích đó, UAE vẫn duy trì mối quan hệ quân sự với Bình Nhưỡng, trong khi nhiều nước trong khối GCC như Kuwait và Qatar xác định quan hệ của họ với Triều Tiên chỉ là nhập khẩu lao động.

Do đó, việc ngăn chặn Iran tiếp cận công nghệ quân sự của Triều Tiên đang được xem là mục tiêu an ninh chiến lược mà Mỹ phải quan tâm. Vì UAE vẫn có thể sẽ tiếp tục lách luật trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp đặt với Bình Nhưỡng để tiến tới thực hiện thêm các thương vụ mua bán quân sự trong tương lai.

Hà Kim