EU “bất mãn” với dự luật trừng phạt Mỹ nhằm vào Nga
Thế giới - Ngày đăng : 10:56, 26/07/2017
Ngày 25/7, dự luật trừng phạt mới đã được các nghị sĩ Mỹ thông qua với tỉ lệ số phiếu áp đảo 419/3. Dự luật này bao gồm những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vì một loạt vấn đề như cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ, sự hậu thuẫn của Nga dành cho chính phủ Syria và lực lượng ly khai Ukraine cũng như vụ Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea.
Dự luật mới sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào một loạt thực thể của Nga, trong đó có ngành năng lượng, ngân hàng, các công ty, tập đoàn chế tạo vũ khí của Nga. Các cá nhân Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ thông qua hoạt động tấn công mạng cũng chịu sự trừng phạt.
Dự luật vừa được Hạ viện thông qua sẽ được chuyển đến Thượng viện phê chuẩn. Các nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Thượng viện đều ủng hộ mạnh mẽ cho dự luật trừng phạt Nga.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan gọi dự luật trừng phạt mới này là “một trong những gói trừng phạt mở rộng nhất trong lịch sử” và sẽ “siết chặt các đối thủ nguy hiểm nhất” để đảm bảo cho nước Mỹ luôn được an toàn.
Nếu được Quốc hội thông qua, dự luật sẽ được chuyển đến Tổng thống Donald Trump. Nếu Tổng thống Mỹ ký thành luật thì sau này việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chỉ có thể được thực hiện bằng việc thông qua một dự luật khác. Chính quyền Mỹ sẽ không có quyền tự mình dỡ bỏ.
Giới chức EU phản đối việc Mỹ đơn phương tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào Nga
Dự luật trừng phạt mới sẽ hạn chế quyền lực đơn phương của Tổng thống Trump, yêu cầu ông chủ Nhà Trắng phải nhận được sự đồng ý của Quốc hội trước khi muốn nới lỏng hay chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhằm vào bất kỳ một quốc gia nào.
Trước động thái trên của Mỹ, thư ký báo chí của Tổng thống Nga ông Dmitry Peskov cho biết, Moscow có cái nhìn rất tiêu cực về chủ đề trừng phạt, đặc biệt là những sáng kiến mới mà Quốc hội Mỹ vừa đưa ra.
Điện Kremlin cũng cho biết, Nga đương nhiên sẽ thất vọng nếu Tổng thống Trump ký dự luật mới bởi Moscow vẫn trông chờ một sự cải thiện trong quan hệ với Mỹ dưới thời ông Trump.
Giới chức EU cũng đang phản đối việc Mỹ đơn phương tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào Nga. EU kêu gọi các nghị sĩ Mỹ phối hợp với họ trong các hành động chống lại Nga. Thậm chí, EU còn tuyên bố sẵn sàng hành động nhanh chóng trong vài ngày để đáp trả động thái của Mỹ trong vấn đề chính sách trừng phạt.
EU lo ngại, những biện pháp trừng phạt mà Mỹ nhằm nhe tung ra với Nga sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của các công ty Châu Âu đang có quan hệ giao dịch, làm ăn với các công ty của Nga.
Theo đó, những hành động gây sức ép của EU lên Mỹ có thể bao gồm việc Ủy ban châu Âu yêu cầu Mỹ đưa ra một cam kết chính thức loại trừ các công ty năng lượng của EU, sử dụng luật EU để chặn các biện pháp chống lại các thực thể châu Âu hay áp đặt lệnh cấm hoạt động kinh doanh với một số công ty Mỹ cụ thể.
Tuy nhiên, nếu các yêu cầu đó không được phía Mỹ nhất trí, thì các biện pháp trừng phạt sẽ không được thực hiện. Bởi những biện pháp trừng phạt trong khối EU lại cần đòi hỏi sự thống nhất từ 28 nước thành viên.
Đây là một yêu cầu khó khăn trong bối cảnh EU đang bị chia rẽ vì những lợi ích kinh tế liên quan đến Nga giữa các nước thành viên đang ngồi chung trên một con thuyền chung EU.