Nhật Bản phản đối Hàn Quốc "đối thoại quân sự" với Triều Tiên
Thế giới - Ngày đăng : 09:58, 18/07/2017
AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Norio Maruyama nói với báo giới tại New York hôm 17/7 cho biết, "Giờ không phải lúc đối thoại. Giờ là lúc gây áp lực nhằm tạo ra một cuộc đối thoại nghiêm túc".
Bình luận trên được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 16/7 đề xuất tổ chức đối thoại quân sự với Triều Tiên, dự kiến vào ngày 21/7 tại làng đình chiến Panmunjom, để xoa dịu căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên.
Nhật Bản phản đối Hàn Quốc "đối thoại quân sự" với Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đề xuất hai bên cùng chấm dứt các hành động thù địch dọc biên giới từ ngày 27/7, nhân kỷ niệm hiệp định đình chiến chấm dứt cuộc chiến tranh liên Triều năm 1953.
Một quan chức cấp cao Hàn Quốc cho biết, các cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn tất cả các hoạt động thù địch gây căng thẳng quân sự tại biên giới giữa hai miền Triều Tiên.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyyon cũng kêu gọi khôi phục đường dây nóng giữa hai miền Triều Tiên đã bị cắt năm 2016, sau cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên.
Phía Hàn Quốc cho rằng các cuộc đàm phán với Triều Tiên có thể bắt đầu bằng các biện pháp xây dựng lòng tin như kết thúc các chương trình truyền thanh dọc theo biên giới. Ngoài các cuộc đàm phán quân sự, Hội chữ thập đỏ và Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đề xuất các cuộc họp riêng biệt với Triều Tiên nhằm thảo luận làm việc tổ chức thêm những cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong Chiến tranh liên Triều.
Nhưng đổi lại để có cuộc đám phán trên, Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc và Mỹ phải ngừng chính sách thù địch với Triều Tiên, Bình Nhưỡng còn yêu cầu Hàn Quốc trao trả 12 nhân viên phục vụ sau khi họ trốn khỏi một nhà hàng của Triều Tiên tại Trung Quốc. Phía Bình Nhưỡng cho là 12 người này bị phía Hàn Quốc bắt cóc trong khi phía Hàn Quốc cho rằng họ xin tị nạn tại Hàn Quốc.
Nếu cuộc đối thoại được diễn ra, nó sẽ là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai miền kể từ tháng 12/2015.
Trong khi đó, Liên Hợp Quốc đang bế tắc trong việc đi đến một nghị quyết mới nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng. Lệnh trừng phạt mới có thể bao gồm cấm vận dầu mỏ, cấm xuất khẩu lao động, cấm tàu thuyền Triều Tiên tiếp cận mọi cảng biển cũng như những giới hạn gắt gao hơn về thương mại.
Nhật Bản ủng hộ biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi Nga và Trung Quốc hành động nhiều hơn để thực thi đầy đủ những biện pháp trừng phạt hiện có nhằm vào Triều Tiên.