Những chủ đề “nóng” trong cuộc gặp “định hình thế giới” của Trump và Putin

Thế giới - Ngày đăng : 11:55, 08/07/2017

Tổng thống Trump và người đồng cấp Vladimir Putin đã có cuộc gặp được đánh giá là "định hình thế giới" bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức. Hai nhà lãnh đạo có thể sẽ đề cập đến những vấn đề nóng hiện nay trong cuộc gặp đối mặt đầu tiên này.

Hôm qua 7/7, hai nhà lãnh đạo quyền lực hàng đầu thế giới đã có cái bắt tay đầu tiên trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa khai mạc tại thành phố Hamburg, Đức.

Sự kiện này được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm bởi đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ hồi đầu năm nay và cũng được xem là cơ hội để định hình quan hệ Mỹ - Nga trong thời gian tới.

Nếu không kể tới những tuyên bố tranh cử, những nghi ngờ về sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hay những phát biểu sau khi lên nắm quyền, thì Nga và đặc biệt là Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn là một trong số những nhân vật được người đứng đầu nước Mỹ nhắc tới nhiều nhất trong những năm vừa qua.

Thực tế là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tới nay vẫn luôn duy trì các cuộc đối thoại được đánh giá là “khá nhã nhặn” nhưng chủ yếu thông qua các phương tiện truyền thông hay một vài cuộc điện đàm.

Sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao G20 mới là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo. Và điều mà dư luận quan tâm đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thể hiện như thế nào và thảo luận gì trong cuộc gặp đầu tiên này.

Những chủ đề “nóng” trong cuộc gặp “định hình thế giới” của Trump và Putin

Những chủ đề “nóng” trong cuộc gặp “định hình thế giới” của Trump và Putin

Theo các nhà phân tích thì hai nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo một loạt vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu, trong đó có 4 chủ đề rất đáng chú ý đó là cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mọi ánh mắt sẽ dồn vào Trump để xem liệu ông có bật đèn xanh cho bất cứ thay đổi nào trong thái độ của Mỹ đối với vấn đề Crimea và các biện pháp trừng phạt Nga hay không.

Cuộc chiến ở Syria cũng sẽ là một chủ đề “nóng” của hai nhà lãnh đạo vì trên danh nghĩa là để ủng hộ một mục tiêu chung là tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Song trên thực tế, cả hai nước đang theo đuổi các chiến lược đối nghịch nhau đối với vai trò tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người được Nga hậu thuẫn nhưng bị Mỹ phản đối.

Vì vậy, các cuộc thảo luận liên quan đến Syria có thể là mối quan tâm chung để Trump và Putin tìm kiếm sự tương đồng.

Nhưng vấn đề Syria rất có thể sẽ bị bị lắng chìm trong cuộc gặp giữa hai nguyên thủ vì tính khẩn cấp của các diễn biến liên quan đến Triều Tiên.

Vấn đề Triều Tiên vốn không phải là trọng điểm trong mối quan hệ Mỹ - Nga, nhưng việc Bình Nhưỡng phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đã khiến nước này trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế.

Đặc biệt, Triều Tiên cũng có thể được nêu ra giữa các cuộc họp lớn hơn trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, nơi có sự góp mặt của Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Tuy nhiên, dù bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo là không hề ít từ hồ sơ Syria, Ukraine đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Song có lẽ vấn đề gây căng thẳng nhất hiện nay trong quan hệ hai nước đó chính là những cáo buộc liên quan tới sự can thiệp của Nga vào tiến trình bầu cử Tổng thống tại Mỹ.

Liệu đây có phải là hồ sơ sẽ làm nóng cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ hay không khi chỉ một ngày trước cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những phát ngôn cứng rắn ngầm thừa nhận những cáo buộc cho rằng Nga có thể đã tác động tới kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.

Thực tế là từ nhiều tháng nay, ông Donald Trump đã phải đối mặt với nhiều rắc rối khi chiến thắng của ông bị nghi ngờ là có bàn tay đóng góp của Nga, cũng như việc nhiều thành viên trong nhóm vận động tranh cử của ông bị cáo buộc có liên hệ với các nhà lãnh đạo Nga.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc đề cập vấn đề chính trị nội bộ này không phải là một bước đi khôn ngoan, nhất trong khuôn khổ các sự kiện bên lề G20 này.

Cũng theo các nhà phân tích, rất nhiều điều có thể xảy ra giữa cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo. Cả hai tổng thống đều đối mặt với rủi ro rất lớn trong mối quan hệ với nhau và mỗi bên đều hy vọng sẽ đạt được điều gì đó từ cuộc gặp này.

Hà Kim