Bất ngờ lùi hạn chót, liệu cuộc khủng hoảng vùng Vịnh có được giải quyết?

Thế giới - Ngày đăng : 14:51, 03/07/2017

Mới đây, Saudi Arabia và các đồng minh thông báo cho Qatar thêm 48 tiếng để chấp nhận bản yêu sách của họ, đổi lại việc dỡ bỏ sự cô lập hiện nay.

Theo một tuyên bố chung được hãng thông tấn Saudi SPA đăng tải, thì thời hạn cũ mà các nước Arab đưa ra cho Qatar đã hết từ đêm 2/7. Các nước này vừa nhất trí gia hạn thời gian thêm 48 giờ để Qatar có phản ứng tích cực đối với những yêu cầu của họ.

Động thái đưa ra khi có yêu cầu từ phía Tiểu vương Kuwait, người đang đóng vai trò đàm phán cho cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh. Chính phủ Kuwait đã yêu cầu việc gia hạn này sau khi Qatar tuyên bố sẽ đưa ra phản ứng chính thức với Tiểu vương Sheikh Sabah al-Ahmad Al-Sabah trong ngày 3/7.

Bất ngờ lùi hạn chót, liệu cuộc khủng hoảng vùng Vịnh có được giải quyết?

Bất ngờ lùi hạn chót, liệu cuộc khủng hoảng vùng Vịnh có được giải quyết?

Trước đó, ngày 22/6, các nước Arab vùng Vịnh đã đưa ra 13 yêu sách cho Qatar và cho nước này 10 ngày để thực hiện. Những yêu sách này bao gồm việc Qatar chấm dứt ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo, đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, hạ thấp quan hệ ngoại giao với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này.

Các nước Arab cũng tỏ ý sẽ nghiên cứu và đánh giá phản ứng của Qatar trước khi đưa ra phản ứng của chính họ với bên trung gian là Kuwait. Ai Cập đã nói vào hôm Chủ nhật rằng các bộ trưởng ngoại giao từ bốn nước trên sẽ gặp nhau tại Cairo vào thứ Tư để thảo luận về Qatar, và không đưa ra thêm chi tiết.

4 quốc gia Arab cũng đe dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Qatar nếu Doha không thực hiện danh sách 13 điểm các nước này đưa ra.

Không biết sau 48 giờ Qatar có chấp nhận tối hậu thư này hay không. Nhưng đến nay, Qatar vẫn từ chối các yêu sách này. Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani mới đây còn tuyên bố, danh sách những yêu cầu đó được làm ra là để bị từ chối. Qatar từ chối nó như là một nguyên tắc. Nhưng Doha vẫn sẵn sàng tham gia vào việc đưa ra những điều kiện hợp lý hơn để thảo luận thêm.

Hà Kim (Theo AFP)