Philippines “gượng gạo” xích lại gần Mỹ để chống khủng bố
Thế giới - Ngày đăng : 09:01, 13/06/2017
Chiến sự tại Marawi kéo dài gần 3 tuần qua với con số thương vong của binh lính Philippines ngày càng gia tăng. Tính đến nay đã có 58 binh sĩ, 20 dân thường và hơn 100 tay súng thiệt mạng. Ngoài ra, còn 500 - 1.000 dân thường mắc kẹt trong thành phố.
Chính lý do này khiến Philippines cần xích lại gần hơn với Mỹ dù vẫn còn rất gượng gạo. Được biết, vào cuối tuần qua lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã vào cuộc chiến chống khủng bố tại Philippines.
Philippines cần xích lại gần hơn với Mỹ dù vẫn còn rất gượng gạo
Sự xuất hiện này có thể là nguồn bổ sung sức mạnh quan trọng giúp quân đội quốc gia Đông Nam Á sớm giành lại thành phố Marawi từ tay phiến quân. Điều này cũng cho thấy, quan hệ giữa Mỹ và Philippines đang xích lại gần nhau nhờ cuộc chiến chống khủng bố.
Cách đây 1 năm, Tổng thống Philippines Duterte khi lên nắm quyền đã nhiều lần đe dọa ngừng mua vũ khí, hủy tập trận chung và đuổi lính Mỹ đồn trú khỏi Philippines.
Nhưng bất chấp quan điểm không muốn dựa vào Mỹ của Tổng thống Duterte, quân đội Philippines đã quyết định nhờ sự trợ giúp của nước đồng minh truyền thống này để giải quyết dứt điểm tình hình bất ổn đang diễn ra.
Mặc dù ông Duterte không hào hứng trước sự hiện diện của quân đội Mỹ, và tuyên bố “không biết gì” về việc chính phủ Mỹ đang hỗ trợ quân đội nước này chống lại nhóm vũ trang Maute tại thành phố Marawi. Nhưng ông cho biết, khi ông tuyên bố thiết quân luật là ông đã trao quyền lực cho Bộ quốc phòng. Và hiện tại ông không can thiệp vào việc này.
Nhưng theo nhiều chuyên gia, việc Tổng thống Duterte trao toàn quyền cho quân đội trong hợp tác với phía Mỹ chỉ là mặt hình thức, bởi một vấn đề lớn như vậy không thể thiếu sự quyết định của người đứng đầu đất nước.
Việc đồng ý tiếp nhận hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố có thể là chỉ dấu sớm cho sự thay đổi quan điểm của nhà lãnh đạo Philippines trong thời gian tới.
Và việc Mỹ nhanh chóng triển khai lực lượng và phương tiện để ứng cứu theo lời kêu gọi của đồng minh đã khiến tính chất cuộc chiến chống khủng bố tại đây chuyển sang một giai đoạn mới khi có sự hiện diện của quân đội nước ngoài.
Động thái này còn đặc biệt thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi vấn đề an ninh đang trở nên “nóng bỏng” không chỉ tại riêng Philippines mà còn của cả khu vực Đông Nam Á.