Đại khủng hoảng Trung Đông: Nước cờ của Mỹ?
Thế giới - Ngày đăng : 16:39, 07/06/2017
Vào ngày 5/6, Bahrain, Ai Cập, Ả-rập-Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập và Yemen đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar vì cho rằng nước này ủng hộ cho khủng bố. Động thái này đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở khu vực Trung Đông trong nhiều năm trở lại đây, khiến cho người dân nước này rơi vào tình trạng lo lắng, hoảng loạn.
Cuộc đại khủng hoảng trong thế giới Hồi giáo lần này diễn ra chỉ 18 tháng sau cuộc đại khủng hoảng tinh thần giữa Iran và Ả-rập-Xê-út hồi tháng 12/2015, vốn được xem là cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ đối với cả khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, nếu như chuyện giữa Iran và Ả-rập-Xê-út chỉ là chuyện nội bộ của thế giới Hồi giáo và chủ yếu liên quan đến giáo luật, thì cuộc khủng hoảng Qatar lần này lại liên qua đến chính trị, quân sự và đặc biệt có liên quan tới Mỹ - quốc gia có quá nhiều lợi ích tại Trung Đông.
Ngay khi các lệnh cô lập Qatar được đưa ra, giới quan sát đã cho rằng chính Mỹ là một trong những nguyên nhân góp phần thúc đẩy mâu thuẫn này lên đến đỉnh điểm ở Ả-rập-Xê-út. Việc này sẽ hối thúc các quốc gia vùng Vịnh khác nối gót theo. Khi đó, Mỹ sẽ là bên trung gian đứng ra giải quyết mối quan hệ khúc mắc giữa các nước với Qatar, đồng thời tận dụng khoảng thời gian này để tiến tới giành một số chiến thắng trên chiến trường Syria, củng cố các ảnh hưởng trước đây.
Chuyến thăm và gặp mặt hàng loạt các lãnh đạo quốc gia Hồi giáo vừa qua của ông Trump
Chuyến thăm và gặp mặt hàng loạt các lãnh đạo quốc gia Hồi giáo vừa qua của ông Trump được cho là một mồi lửa thổi bùng tình hình đang rất nóng ở vùng Vịnh khi các mâu thuẫn về việc hỗ trợ các nhóm khủng bố đang dâng cao.
Ngày 6/6, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã viết trên Twitter rằng, chuyến thăm gần đây của ông tới Trung Đông đã bắt đầu có kết quả. Có thể bài phát biểu về chống phiến quân Hồi giáo của ông ở Ả-rập-Xê-út đã trở thành cảm hứng cho các quốc gia Arập quyết định cắt quan hệ ngoại giao với Qatar để phản đối cái mà họ cho rằng, Doha tài trợ chủ nghĩa khủng bố.
Ông cho rằng, việc các nước vùng Vịnh phản đối Qatar hậu thuẫn các nhóm khủng bố ở Syria và Iraq có thể sẽ là khởi đầu cho việc kết thúc nỗi khiếp sợ đối với chủ nghĩa khủng bố.
Các tuyên bố trong bài diễn văn mà ông Donald Trump đọc ở Ả-rập-Xê-út cho thấy rõ mong muốn trở thành bên trung gian, muốn lấn sâu hơn vào mối quan hệ giữa các nước Trung Đông để tìm lợi ích cho Washington.
Trong Hội nghị thượng định Mỹ - Hồi giáo, nhà lãnh đạo Mỹ đã không đưa ra một tín hiệu nào cho việc thống nhất thế giới Hồi giáo mà ngược lại đã khoét sâu mâu thuẫn giữa những người theo đạo Hồi, khơi gợi lại cuộc đại khủng hoảng tinh thần Iran - Ả-rập-Xê-út vốn vẫn còn đang nóng bỏng.
Phát biểu trước 55 nhà lãnh đạo của thế giới Hồi giáo, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông mang theo thông điệp tình yêu từ Mỹ, đây là lý do ông chọn Ả-rập-Xê-út cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên. “Tầm nhìn của Mỹ là hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Trung Đông và trên toàn thế giới", ông nói.
Song người đứng đầu Nhà Trắng lại kêu gọi tất cả các nước Hồi giáo cùng hợp tác để cô lập Iran, bắt Iran phải chịu trách nhiệm về sự bất ổn trong khu vực với các cáo buộc nước cộng hòa Hồi giáo này thúc đẩy các vụ hỗn loạn, xung đột giáo phái và khủng bố tại Trung Đông.
Đáp lại, Quốc vương Ả-rập-Xê-út, Salman bin Abdulaziz al-Saud cũng chỉ trích Tehran rằng, trách nhiệm của toàn thế giới là thống nhất để chống lại các thế lực tà ác và cực đoan ở bất cứ đâu. Nhưng chế độ tại Iran lại đại diện cho những kẻ bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.
Khi Iran đã bị Mỹ và đồng minh của Mỹ trong thế giới Hồi giáo chỉ mặt gọi tên là quốc gia bảo trợ khủng bố thì những đồng minh của Iran là Qatar cũng không phải là ngoại lệ.
Việc tách Qatar trở về cùng "cực" với Iran, Mỹ sẽ có được lợi thế trong đàm phán khi vừa được củng cố mối quan hệ tốt đẹp với Ả-rập-Xê-út, vừa thúc đẩy Doha chọn Washington là bên đứng ra hòa giải bởi những căn cứ quân sự quan trọng mà Hoa Kỳ đặt tại quốc gia vùng Vịnh này.
Qua đó cho thấy, thực tế Washington đã có những "nước cờ", mà từ đó tạo ra nhiều mâu thuẫn cho chính thế giới Hồi giáo. Vì thế, để chiếm được trái tim của thế giới Hồi giáo, Mỹ cần có những hành xử hợp tình và hợp lý hơn.