Tranh chấp biển Đông – Chủ đề vẫn nóng nhất trong Đối thoại Shangri-la 2017
Thế giới - Ngày đăng : 07:27, 03/06/2017
Đối thoại Shangri-la 2017 diễn ra trong 3 ngày với 6 phiên thảo luận với các chủ đề bàn luận về Mỹ và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định, Thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng ở châu Á-Thái Bình Dương, Thay đổi địa chính trị và chính sách quốc phòng, Xây dựng nền tảng chung về an ninh khu vực, Các mối đe dọa toàn cầu và an ninh khu vực.
Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ vẫn là một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong đối thoại lần này. Việc Trung Quốc cải tạo phi pháp các bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông và xây dựng trái phép các công trình quân sự trên đó vẫn là điều mà dư luận khu vực đặc biệt lo ngại.
Chủ đề tranh chấp biển Đông nóng nhất trong Đối thoại Shangri-La 2017
Về vấn đề này, Thủ tướng Australia Malcom Turnbull cho biết, từ lâu ông đã không hài lòng với việc Trung Quốc có các hành động tôn tạo, bồi đắp và quân sự hóa ở Biển Đông. Ông kêu gọi Trung Quốc nên tôn trọng luật pháp quốc tế trong quá trình phát triển kinh tế và quân sự. Ông nhấn mạnh, “Việc Trung Quốc tôn trọng các quy định của luật pháp và các nguyên tắc quốc tế là điều cực kỳ quan trọng”.
Dư luận cũng rất quan tâm tới thái độ của Trung Quốc sau khi nước này tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCI) trong vụ kiện của Philippines với các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Đồng thời quan tâm tới thái độ của Mỹ sau những thông tin rằng sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này đang giảm dần sau khi khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Dẫn đầu đoàn Trung Quốc tham gia Đối thoại Sangri-La 2017 là trung tướng Hà Lôi, Viện phó Viện khoa học quân sự. Ông Hà Lôi dự kiến sẽ không phát biểu trong các phiên toàn thể. Nhưng, chắc chắn báo chí sẽ quan tâm tới ông xung quanh quan điểm của Trung Quốc với các tranh chấp trên Biển Đông.
Trong Đối thoại lần này, Thủ tướng Australia Malcom Turnbull sẽ có bài phát biểu đề dẫn đưa ra tầm nhìn củachính phủ Australia về sự ổn định, thịnh vượng và dựa trên các nguyên tắc của khu vực. Đây được coi là bài diễn văn thể hiện chính sách ngoại giao quan trọng nhất của chính quyền Australia kể từ khi ông Turnbull nhậm chức hồi năm 2015.
Tại đây, ông Turnbull cũng bày tỏ quan điểm về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ông cho rằng, Trung Quốc cần có trách nhiệm lớn hơn trong việc kiềm chế Triều Tiên tiến hành thêm các hành động gây đe dọa đến hòa bìnhkhu vực.
Ra đời năm 2002 theo sáng kiến của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ ở tại London (Anh), Đối thoại Shangri-La trở thành hội nghị thượng đỉnh về an ninh quan trọng nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây chính là nơi giúp tạo racác kênh chia sẻ thông tin một cách hiệu quả giữa các nhà hoạch định chính sách quốc phòng và an ninh, cũng như với giới chuyên gia và học giả trong khu vực. |
Sáng 2/6, bộ trưởng quốc phòng của 5 nước gồm Singapore, Malaysia, Australia, New Zealand, và Anh đã có cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La 2017, thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác trong các hoạt động chống khủng bố. Tạicuộc gặp, các bộ trưởng quốc phòng đều bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh bất ổn thời gian qua ở khu vực và trên thế giới khi mới đây xảy ra vụ khủng bố ở Anh, Indonesia, nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mở rộng hoạt động sang khu vực Đông Nam Á.
Cũng trong ngày 2/6, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ra mắt tài liệu Hồ sơ châu Á (Asia Dossier), tập hợp những bài nghiên cứu đánh giá về tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2017. Đây là phiên bản mới nhất, cung cấp thông tin cho các đại biểu tham dự về tình hình an ninh trong khu vực.